image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phức tạp.

anh tin bai

Đối tượng Nguyễn Thị Kim Chi tại cơ quan công an. Ảnh: HOÀNG XUÂN

Đặc biệt, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm online của người dân sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới các hình thức việc làm online, đầu tư chứng khoán, giả danh cơ quan Nhà nước... gia tăng, phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho Nhân dân.

 

Nhiều phương thức, thủ đoạn

 

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PCTPCNC), trong 10 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã tiếp nhận, xác minh 36 trường hợp người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền trên 10 tỉ đồng. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi, trung niên nhẹ dạ cả tin, hám lợi, thiếu hiểu biết về pháp luật và kiến thức công nghệ thông tin.

 

Điển hình, trong quá trình sử dụng tài khoản Telegram, chị H.T.D.H (trú phường 8, TP Tuy Hòa) được một số đối tượng đưa vào nhóm @AIS để làm nhiệm vụ nạp tiền và hưởng hoa hồng. Tối 29/8, chị H tham gia vào nhóm này. Sau vài lần đầu nạp tiền và được hưởng hoa hồng, thấy dễ dàng, chị H nhiều lần nạp tiền vào tài khoản trên ứng dụng @AIS nhưng sau đó không rút ra được. Đến tối 31/8, phát hiện bị lừa nên chị H không nạp tiền nữa. Tổng cộng, chị H đã chuyển tiền vào 2 tài khoản của 2 đối tượng với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.

 

Một trường hợp khác, khoảng 11 giờ 30 ngày 6/10, số điện thoại 0389.636625 của người có tên là “Nguyễn Thành An”, dùng phần mềm Viber gọi cho anh Đ.H.K (trú phường 2, TP Tuy Hòa). Người này tự xưng là “công an”, cho biết anh K liên quan đến vụ rửa tiền, đề nghị anh K gửi tiền vào tài khoản của “Tran Anh Ty” để “phục vụ công tác điều tra”. Do lo sợ, anh K đã chuyển 8,3 triệu đồng vào tài khoản trên. Sau khi biết mình bị lừa, anh K đã trình báo vụ việc cho cơ quan công an.

 

Tội phạm sử dụng CNC có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và thông thái hơn trong việc sử dụng các tiện ích của thời đại 4.0.

Trung tá Nguyễn Phong Nguyên,

Phó Trưởng phòng An ninh mạng và PCTPCNC

 

Trung tá Nguyễn Phong Nguyên, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và PCTPCNC cho biết: Các phương thức thủ đoạn thường gặp là giả các trang thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...) để tuyển cộng tác viên online; làm giả ứng dụng (app) cho vay trực tuyến, thực chất là liên kết đến trang web giả mạo đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, mã xác thực OTP để rút tiền của nạn nhân; giả mạo thông báo của các ngân hàng để đánh cắp tài khoản ngân hàng thông qua các đường link dẫn đến web giả mạo các ngân hàng. Các đối tượng còn sử dụng số điện thoại ảo giả cơ quan chức năng hù dọa nạn nhân, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Ngoài ra, những thủ đoạn khác mà các đối tượng cũng thường sử dụng là chiếm đoạt hoặc làm giả tài khoản mạng xã hội để mượn tiền người thân, bạn bè; kêu gọi tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch BO, sau đó đánh sập sàn, chiếm đoạt tiền nhà đầu tư; quảng cáo bán hàng online để chiếm đoạt tiền đặt cọc; tạo các fanpage đặt trùng tên hoặc gần giống với nhiều fanpage có uy tín ở Phú Yên để đăng bài kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện các trường hợp khó khăn không có thật; lợi dụng việc lộ lọt thông tin cá nhân để tiến hành gọi điện, nhắn tin khủng bố, cắt ghép hình ảnh tung lên các trang mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm với mục đích tống tiền.

 

Nâng cao cảnh giác phòng ngừa

 

Để đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC), thời gian qua, Phòng An ninh mạng và PCTPCNC đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, kịp thời thông báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Cùng với đó, đơn vị cũng tập trung lực lượng điều tra, làm rõ nhiều vụ tội phạm sử dụng CNC lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức.

 

Tiêu biểu, mới đây, qua công tác nắm tình hình, thu thập thông tin trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và PCTPCNC phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Kim Chi (SN 2000, trú huyện Tuy An) có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, hoạt động liên tỉnh. Vào cuộc điều tra, Phòng An ninh mạng và PCTPCNC xác định Nguyễn Thị Kim Chi đã sử dụng thủ đoạn lập nhiều tài khoản facebook ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân trên địa bàn Phú Yên, Kon Tum và nhiều địa phương khác (ước tính ban đầu số tiền chiếm đoạt trên 200 triệu đồng). Ngày 15/11, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và PCTPCNC đã phát hiện Nguyễn Thị Kim Chi khi đối tượng này đang hoạt động tại địa bàn huyện Tuy An. Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Kim Chi đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hiện đối tượng đã bị Công an TP Tuy Hòa khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Trước đó, ngày 16/7, Phòng An ninh mạng và PCTPCNC phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ trong tỉnh và Phòng 6, Cục An ninh mạng và PCTPCNC, Bộ Công an phá thành công chuyên án trinh sát bí số VBG6, bắt quả tang Phạm Minh Hiền (SN 2001, tạm trú xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và Nguyễn Văn Phong (shipper, SN 1976, ở xã Long Can, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có hành vi sản xuất, mua bán giấy tờ giả các loại, thu giữ nhiều tang vật, phương tiện kỹ thuật, máy móc hiện đại. Qua đấu tranh mở rộng, lực lượng công an đã phát hiện và xác định đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả này là Cao Quốc Thông (SN 1986, ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và tạm giam Phạm Minh Hiền, Nguyễn Văn Phong về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

 

Theo trung tá Nguyễn Phong Nguyên, đa số người tham gia đánh bạc qua các ứng dụng đều che giấu danh tính, thường bị thiệt hại số tiền lớn do đối tượng tổ chức đã dùng thuật toán can thiệp và bị lừa đảo, nhưng không có trường hợp nào dám tố giác đến cơ quan công an. Đa số đối tượng tổ chức lừa đảo, tổ chức đánh bạc hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tổ chức thành băng, nhóm khép kín, hoạt động liên tỉnh và có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Tội phạm sử dụng CNC có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác và thông thái hơn trong việc sử dụng các tiện ích của thời đại 4.0.

 

Làm rõ một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Công an huyện Tây Hòa vừa làm rõ một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáng 8/9, bà Trầm Thị Kim Oanh (trú xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) phát hiện tài khoản facebook mang tên “Kim Anh Yuri” của mình bị người khác chiếm quyền truy cập nên bà đến gặp Lê Nguyễn Hoàng Triều (trú cùng xã) nhờ lấy lại quyền truy cập.

 

Sau khi lấy lại được tài khoản facebook cho bà Oanh, ngày 11/9, Triều đã đăng nhập vào tài khoản này, giả danh bà Oanh hỏi mượn bà Dương Thị Thu Sương, là người địa phương số tiền 3 triệu đồng rồi chiếm đoạt. Vụ việc đang được Công an huyện Tây Hòa củng cố hồ sơ để xử lý.

 

ĐẶNG VINH

 

Theo ĐOÀN THY/PYO

Tin mới
Tin nổi bật
QR