Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh đang tích cực phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ cơ sở về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) và đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi trong nước. Hoạt động này nhằm góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
Cán bộ Sở Tư pháp tuyên truyền về việc đăng ký hộ tịch cho phụ nữ Hòa Xuân Nam. Ảnh: NGỌC DUNG
Chuyển tải pháp luật đến chị em
Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa) những ngày này đang vào vụ mùa. Ngay từ sáng sớm, đông đảo phụ nữ đã tranh thủ phơi lúa, rơm rạ, thu xếp việc gia đình để đến hội trường ủy ban xã nghe tuyên truyền pháp luật. Lau những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, chị Lê Thị Kim Huệ ở thôn Hảo Sơn Nam tươi cười: “Lần nào địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, tôi cũng đi nghe, nhất là tuyên truyền về pháp luật. Mình nghe để nâng cao nhận thức, hiểu và làm theo quy định pháp luật”.
Suốt một buổi sáng chăm chú lắng nghe cán bộ Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh tuyên truyền về quy định đăng ký hộ tịch, nội dung, thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, đăng ký giám hộ, các thủ tục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, các quy định về việc nuôi con nuôi; cách thức phòng chống XHTDTE…, chị Huệ đã hiểu thêm nhiều vấn đề liên quan đến những nội dung này. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Bích ở thôn Hảo Sơn Bắc nói: “Từ nay, chị sẽ nói với người thân và chị em trong thôn hiểu hơn về tầm quan trọng của việc đăng ký hộ tịch cũng như phòng, chống XHTDTE”.
Ngoài xã Hòa Xuân Nam, Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tuyên truyền những nội dung này cho hội viên phụ nữ ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Ðồng Xuân và TP Tuy Hòa. Với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), chị Dương Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: Lâu nay, nhiều chị em lo làm ăn, không để ý nhiều đến việc đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn cũng như ít có thời gian ở bên con cái. Những nội dung tuyên truyền hữu ích, thiết thực của Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ địa phương trong việc tự giác, chủ động thực thi các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bản thân và con em trong gia đình...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức thi hành, nhưng nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề hộ tịch chưa đầy đủ. Trong khi đó, việc đăng ký, quản lý hộ tịch có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.
Theo chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Hành chính, Bổ trợ tư pháp và Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), hiện nay, nhiều người dân còn lúng túng, chưa nắm rõ các quy định cũng như chưa nhìn nhận đúng vai trò trách nhiệm trong quá trình đăng ký khai sinh cho trẻ em, dẫn đến nhiều trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn hoặc không đăng ký khai sinh trẻ em, một số gia đình nhận trẻ em bị bỏ rơi nuôi dưỡng bị vướng trong quá trình đăng ký khai sinh... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ sau này. Vì vậy, Sở Tư pháp và Hội LHPN tỉnh chọn hai chuyên đề về đăng ký hộ tịch cũng như phòng chống XHTDTE để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ để bản thân họ có sự nhìn nhận thấu đáo về trách nhiệm bản thân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em với vai trò người mẹ, người thân trong gia đình.
Nói về công tác phòng chống XHTDTE hiện nay, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thu Huyên chia sẻ: Thời gian qua, trong phạm vi chức năng của hội, các cấp hội LHPN đã phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tích cực làm tốt công tác hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Ngoài ra, hội còn đồng hành hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn; đồng thời tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ cơ sở về những thủ đoạn, hành vi tội phạm, tác hại của việc xâm hại, những dấu hiệu nhận biết trẻ có nguy cơ bị xâm hại, các biện pháp phòng ngừa, cách thức xử trí khi trẻ bị xâm hại…
Những năm gần đây, tình hình tội phạm XHTDTE diễn biến phức tạp gây bức xúc dư luận xã hội, gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Tại Phú Yên, từ ngày 15/12/2020-14/10/2022, xảy ra 34 vụ xâm hại trẻ em với 40 đối tượng, trực tiếp xâm hại 39 em. Tình hình trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây tổn thương nặng nề về thể chất, tâm lý cho trẻ. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹnăng bảo vệ trẻ em, bảo vệ hạnh phúc gia đình, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người dân, cộng đồng về nội dung này”, bà Huyên chia sẻ.
Từ ngày 11-18/4, Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho gần 300 phụ nữ ở các xã An Chấn (huyện Tuy An), Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa), Xuân Quang 3 (huyện Ðồng Xuân) và Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). |
Theo NGỌC QUỲNH/PYO