image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bạo lực vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình
anh tin bai

Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Ảnh: THIÊN LÝ

Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi thành viên, là nơi thể hiện tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình.

 

Thời gian gần đây, trong nước đã xảy ra nhiều vụ BLGĐ, trong đó có nhiều vụ bạo lực trẻ em rất nghiêm trọng khiến mọi người bàng hoàng, xót xa và bất bình. Điều đáng nói, người gây bạo lực lại chính là cha, mẹ, mẹ kế, cha dượng của trẻ.

 

Nỗi đau không chỉ riêng ai

 

Dư luận đang rất quan tâm đến phiên xử vụ cha ruột, dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi N.T.V.A ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đến tử vong. Vì vậy, trước phiên xét xử sơ thẩm công khai vào ngày 21/7, nhiều người dân đã đến TAND TP Hồ Chí Minh theo dõi và tin tưởng hội đồng xét xử (HĐXX) công tâm, đòi lại công bằng cho bé V.A. Hai bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) bị truy tố tội giết người, hành hạ người khác và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố tội hành hạ người khác, che giấu tội phạm. Tuy nhiên, trước tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX đã tiến hành tạm ngừng phiên tòa để hội ý. Sau thời gian hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa.

 

Chị Dương Thị Hằng ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cho biết, mỗi lần nghe báo, đài thông tin về bạo hành trẻ em là chị lại nhói lòng. Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. “Vụ bé V.A đã khiến mọi người phải đau xót. Không những tôi mà nhiều người khác đều mong muốn tòa xét xử công tâm, đòi lại công bằng cho bé”, chị Hằng chia sẻ.

 

Không chỉ có vụ bé V.A, trước đó, ở phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng xảy ra vụ cha đẻ bạo hành con ruột dẫn đến tử vong. Tiếp đó, vào đầu tháng 12/2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh (Kiên Giang) đã qua đời do bị cha dượng bạo hành một cách rất tàn nhẫn. Còn trường hợp ở Quảng Nam, người cha đã nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi của mình xuống sông khiến bé thiệt mạng.

 

Đẩy mạnh các giải pháp

 

Năm 2021, cả nước có 4.967 vụ BLGĐ. Tại Phú Yên, trong 2 năm 2020 và 2021 có 145 vụ BLGĐ. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trẻ em. Các vụ việc có tính chất nghiêm trọng gây bức xúc lớn đối với dư luận xã hội. Riêng Phú Yên, nhiều vụ bạo lực trẻ em đã xảy ra nhưng chưa có trường hợp bạo lực dẫn đến tử vong.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên cho biết: “Để ngăn chặn BLGĐ, nhất là bạo lực trẻ em, trung tâm có kế hoạch tổ chức các buổi truyền thông, phân tích nguyên nhân, giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ vấn đề dẫn đến bạo lực trẻ em nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình, hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng… Đơn vị cũng xây dựng đường dây nóng để trực tiếp hỗ trợ, tham vấn cho những nạn nhân bị bạo lực; kêu gọi cộng đồng lên tiếng, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực...”.

 

Còn theo ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), để xử lý BLGĐ, trước hết, địa phương cần có biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Sau khi góp ý, phê bình, người đứng đầu khu dân cư phải lập biên bản cuộc họp và gửi tới UBND xã, phường nơi thực thi công tác tư pháp để lưu trữ làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong trường hợp người đã bị góp ý, phê bình tiếp tục có hành vi BLGĐ. Trường hợp người có hành vi BLGĐ cố tình vắng mặt thì cuộc họp góp ý, phê bình vẫn tiến hành. Đồng thời có biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ...

 

Hiện Bộ VH-TT-DL đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi BLGĐ với trẻ em. Bộ VH-TT-DL cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025, bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về phòng, chống BLGĐ, sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc BLGĐ; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực được phân theo nhóm đối tượng, nhất là trẻ em. Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), Bộ VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa các quy định về phòng, chống BLGĐ với trẻ em trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích của trẻ em.

 

Theo THIÊN LÝ/PYO

Tin mới
Tin nổi bật
QR