Tháp Nhạn Phú Yên được ví von tựa như một hòn ngọc xinh đẹp của xứ nẫu, đây là một trong những hình ảnh biểu trưng và là niềm tự hào của người dân Tuy Hòa.
Tháp Nhạn Phú Yên đã có lịch sử hơn 800 năm, phản ánh rõ nét về quá trình khai phá vùng đất Phú Yên của các cư dân Việt trong thế kỷ thứ XVI. Không chỉ vậy, ngọn tháp còn là một hình ảnh thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hóa, tinh thần của cư dân người Chăm và người Việt từ quá khứ đến hiện tại. Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu đời tháp Nhạn Phú Yên vẫn luôn là điểm dừng chân hấp dẫn trong mắt du khách trong hành trình khám phá Tuy Hoà.
Tháp Nhạn Phú Yên, danh thắng hấp dẫn của xứ Nẫu. Ảnh: Thanh Trúc
Giới thiệu về Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn Phú Yên trong tiếng của người Ê Đê và Giarai còn có tên là Kohmeng, người dân địa phương vẫn thường gọi là tháp Chăm Pa. Ngọn tháp được xây dựng trong khoảng thời gian những năm cuối của thế kỷ thứ 11 và đầu thế kỷ thứ 12 để thờ chúa Thiên Y A Na, vốn là một vị tiên nữ trên trời đã hạ phàm để giúp người dân Chăm Pa cày cấy, dệt vải, kéo sợi. Sau khi tiên nữ quay về trời, người dân Chăm Pa đã xây dựng ngọn tháp để thể hiện sự ghi nhớ công ơn của tiên nữ Thiên Y A Na. Cũng từ đó, Thiên Y A Na là một trong những vị thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào người Chăm.
Đây là ngọn tháp Chăm đẹp nhất của Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Văn Nhẫn
Về tên gọi tháp Nhạn Phú Yên, theo các bậc lão niên nơi mà ngọn tháp được xây dựng có rất nhiều chim nhạn bay tới, chúng làm tổ ở trên đỉnh tháp nên người ta đã gọi tên tháp theo tên của loài chim này.
Tháp Nhạn cũng là một trong những chứng nhân thể hiện cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Chăm Pa tại Đông Nam Á, đồng thời là sự giao thoa văn hóa giữa Ấn Độ và Đại Việt.
Trải qua hơn 10 thế kỷ với bao biến thiên của thời cuộc, qua chiến tranh và sự tàn phá của thời gian, tháp Nhạn đã từng bị hư hại và trải qua hai lần tu bổ vào các năm 1960 và 1994. Tuy nhiên, ngọn tháp vẫn giữ được hình khối, đường nét kiến trúc, màu sắc như khi mới xây dựng. Với những ý nghĩa to lớn về kiến trúc, văn hóa và tâm linh, năm 1998 tháp Nhạn Phú Yên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2018 thủ tướng xếp hạng tháp Nhạn là Di tích Quốc gia đặc biệt, là một báu vật được người xưa truyền lại cho thế hệ mai sau.
Ngọn tháp cũng được xem là báu vật của xứ Nẫu. Ảnh: @kajovu26122
Tháp Nhạn Phú Yên “Mắt Thần” của Tuy Hoà
Sở dĩ tháp Nhạn Phú Yên được ví von như một mắt thần của vùng đất Tuy Hòa là bởi vị trí xây dựng ngọn tháp. Theo đó, vị trí của tháp Nhạn vô cùng đặc biệt, trên một ngọn núi, lại nằm ở cạnh sông. Xếp theo khía cạnh phong thủy thì ở tháp Nhạn hội tụ đầy đủ các yếu tố về view ngắm biển, trời, sông, núi, ruộng đồng hay phố phường… Tất cả tạo nên một địa chỉ tâm linh ấn tượng. Theo đó, ngọn tháp nằm ở sườn phía Đông của núi Nhạn, thuộc trung tâm thành phố Tuy Hòa, ngọn núi có độ cao 60 km so với mực nước biển, trong khi đó nền của sân Tháp Nhạn nằm ở độ cao 56m so với mực nước biển và mặt chính tháp theo hướng Đông được gọi là hướng sinh khí, ở hai bên và mặt sau của tháp được xây kín đồng thời lưng tháp tựa vào sườn núi với địa thế vô cùng vững chãi.
Vị trí của Tháp Nhạn rất đắc địa, phong thuỷ ấn tượng. Ảnh: Lâm Xung
Đứng ở sân của tháp Nhạn Phú Yên, du khách có thể thả tầm mắt để ngắm một vùng cảnh sắc đẹp mê hồn. Hướng Đông là sông Đà Diễn và biển Đông, phía Nam là sông với những rặng tre xanh mướt, làng hoa Ngọc Lãng, xa xa là con sông Đà Rằng hay khu đô thị ở phía Nam, hướng Bắc là trung tâm thành phố Tuy Hòa và ruộng đồng xanh mướt, cùng với đó là đỉnh núi Chóp Chài mờ ảo.
Khám phá vẻ đẹp kiến trúc của Tháp Nhạn Phú Yên
Vẻ đẹp kiến trúc của Tháp Nhạn Phú Yên mang đặc trưng của các công trình kiến trúc Chăm với ba phần gồm đế tháp, thân tháp và mái tháp. Chiều cao của ngọn tháp này là 24m, bao gồm cả ba phần ở chân và thân của tháp Nhạn được xây dựng theo dạng hình vuông, trong văn hóa của người Chăm thì đây là ý nghĩa tượng trưng cho đất Ở khu vực chân tháp diện tích được thiết kế lớn hơn phần thân với độ cao khoảng 3,3 m. Từ dưới lên trên, các hàng gạch được xây dựng lùi dần theo một trật tự, cho đến khi thu nhỏ và ôm sát lại.
Tháp Nhạn nằm trên đỉnh đồi cao. Ảnh: Bình Định+
Thân tháp cũng có hình vuông và ở mỗi cạnh chiều dài khoảng 10,5 m, độ cao 9,3 m và độ dài của bức tường là 3 m. Tường của tháp được bổ trụ ở bốn góc, với các đường lồi lõm ở mặt hai bên và mặt sau, kết hợp với đó là những hình ảnh chạm trổ đa dạng, thể hiện thế giới của các vị thần trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào người Chăm
Phần mái của tháp Nhạn Phú Yên có 4 lớp, thể hiện các hình khối và đường nét đa dạng, độ cao khoảng 8 m. Ở lớp dưới cùng là bốn tay trụ lớn với bốn góc, nhìn xa tựa như những búp sen. Ở lớp thứ hai và lớp thứ ba, mỗi lớp cũng có 4 búp sen và được thiết kế nhọn dần, khu vực trên cùng là một hòn đá lớn nguyên khối có đáy hình vuông, được gọt đẽo rất tinh xảo, là biểu tượng của Linga một sinh thực khí nam có ý nghĩa tượng trưng cho Thần Shiva, trong Ấn Độ giáo thì đây là một trong ba vị thần tối cao nhất.
Thân tháp phủ rêu phong. Ảnh: Tainguyen
Nếu ngắm nhìn thác Nhạn Phú Yên từ xa, phần mái tháp sẽ có cảm giác tựa như những đóa hoa hay ngọn lửa rực cháy, thể hiện sự giác ngộ, thức tỉnh của con người trong tín ngưỡng tâm linh.
Đỉnh của tháp Nhạn . Ảnh: ST
Những đường nét, hoạ tiết ấn tượng. Ảnh: ST
Bước vào bên trong khuôn viên của tháp Nhạn là một không gian trống với độ dài 4,5m, nền bên trong tháp cao 1,8m so với sân, không gian thờ cúng ở bên trong được bài trí tương đối đơn giản với một ban thờ tiên nữ Thiên Y Ana hướng ra cửa.
Cửa chính của đỉnh Tháp Nhạn Phú Yên. Ảnh: ST
Bài trí ban thờ tiên nữ Thiên Y Ana. Ảnh: ST
Kiến trúc của tháp Nhạn Phú Yên phần nào thể hiện rất rõ thế giới tâm linh, tín ngưỡng văn hóa của người Chăm, đồng thời cũng được xem là một tuyệt tác kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, khiến người ta ngỡ ngàng, đây cũng là lý do mà tháp Nhạn đã trở thành niềm tự hào của người dân Phú Yên.
Địa chỉ kết nối văn hoá truyền thống
Cộng đồng người Chăm ở Phú Yên tương đối đông đảo với khoảng 23.000 người, sinh sống hòa bình cùng với các dân tộc anh em, họ vẫn giữ nguyên được những nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng với những giá trị đặc sắc thể hiện thông qua trang phục, lễ hội, tri thức dân gian, phong tục tập quán hay những nét đẹp về kiến trúc, nghệ thuật…
Tháp Nhạn Phú Yên là một điểm đến tâm linh quan trọng trong văn hóa của người Chăm, chính vì vậy đến hẹn lại lên, vào mùa xuân tại đây sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động nổi bật là lễ hội thơ Nguyên Tiêu ngày 14 -15 tháng Giêng hoặc lễ hội Vía Bà diễn ra từ ngày 21- 23/3 Âm lịch. Lễ hội Vía Bà là một trong những hoạt động tâm linh rất quan trọng, thu hút đông đảo đồng bào người Chăm ở Phú Yên và các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận hay Bình Định. Tại đây, người ta sẽ dâng các lễ vật là nông sản để cầu Bà phù hộ cho cuộc sống được no đủ, may mắn trong năm mới.
Lễ hội vía Bà được tổ chức hằng năm ở tháp Nhạn. Ảnh: ST
Tháp Nhạn Phú Yên là một chứng nhân rất quan trọng của lịch sử vẫn luôn giữ được vẻ đẹp riêng có, thể hiện sự độc đáo trong văn hóa, kiến trúc của người Chăm. Ghé thăm nơi này, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp kiến trúc Chăm Pa xưa độc đáo, mà còn có thể tìm hiểu những thông tin thú vị về văn hóa Chăm, những phong tục tập quán độc đáo. Có lẽ vì vậy mà tháp Nhạn vẫn luôn là một điểm đến hấp dẫn ở Tuy Hòa trong mắt du khách.
Theo Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn