image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 891
  • Trong tuần: 8,906
  • Tất cả: 2,434,754
DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA “ĐỊA ĐIỂM DIỄN RA TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968 TẠI PHÚ YÊN”
anh tin bai

Hân hạnh tài trợ chương trình này

anh tin bai

 

File âm thanh thuyết minh tiếng Việt

File âm thanh thuyết minh tiếng Anh/English Audio

Tuổi trẻ thành phố Tuy Hoà giới thiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia “Địa điểm diễn ra tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên”

Xin mời quý khách cùng theo chân chúng tôi “Những hướng dẫn viên thanh niên số” thăm quan Địa chỉ đỏ, di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên” và tìm hiểu về tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của quân và dân Phú Yên trong sự kiện lịch sử này nhé!

anh tin bai

 

Tháng 10/1967, Hội nghị Bộ chính trị mở rộng đã quyết định một phương hướng tiến công mới trên chiến trường miền Nam, đó là: Bất ngờ và đồng loạt đánh mạnh vào các đô thị trên toàn miền Nam, với cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Đến tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị tiếp tục họp và hạ quyết tâm thực hiện chủ trương trên. Ngày 18/01/1968, Bộ Chính trị quyết định thời gian mở màn cho cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa là vào thời điểm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968. 

anh tin bai

 

Nhằm đảm bảo thắng lợi mục tiêu chiến lược của Bộ Chính trị, Quân khu V xác định nhiệm vụ cho chiến trường Phú Yên là đánh cắt đường số 1 ở khu vực đèo Cù Mông tạo thế chia cắt giữa Bình Định và Phú Yên, ngăn không cho quân địch từ Phú Yên theo đường số 1 ra phản kích vào lực lượng khởi nghĩa tại Quy Nhơn. Nhiệm vụ giải phóng thị xã Tuy Hòa do lực lượng địa phương và nhân dân kết hợp công kích và khởi nghĩa để giải quyết, mục tiêu nhằm làm tan rã quân ngụy tại chỗ; diệt một bộ phận quân Nam Triều Tiên; thu hút và kiềm chế một phần quân Mỹ; đánh phá, cắt giao thông Bắc - Nam và lên Tây Nguyên; không cho địch tiếp ứng ra Quy Nhơn. Trọng điểm là thị xã Tuy Hòa, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng tại chỗ và từ nông thôn vào để tiêu diệt địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

anh tin bai

 

Để thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung ương và nhiệm vụ của Quân khu 5 giao, cuối tháng 12 năm 1967 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã họp để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về phương hướng chiến lược mới. Hội nghị kiểm điểm đánh giá tình hình các mặt địch, ta trên chiến trường, bàn kế hoạch triển khai. Quyết tâm của Tỉnh ủy Phú Yên là tập trung lực lượng vào hướng trọng điểm thị xã Tuy Hòa, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan trọng kết hợp với quần chúng trong và ngoài thị xã thực hiện phương châm công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã. Đối với các huyện, phối hợp đánh sâu vào quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần của địch, đánh tan các bộ máy ngụy quyền nông thôn, thực hiện công kích và khởi nghĩa giành chính quyền.

 

anh tin bai

 

Cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Phú Yên lấy mật danh là T25 do đồng chí Lư Giang - Tư lệnh Phân khu Nam (Quân khu 5) làm Tư lệnh, đồng chí Trần Suyền - Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên làm Chính ủy để thống nhất lãnh dạo, chỉ huy các lực lượng trong Tổng tiến công và nổi đậy Xuân Mậu Thân 1968 ở chiến trường Phú Yên.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Phú Yên diễn ra 2 lần. Trong đó lần thứ nhất diễn ra từ đêm 29 rạng ngày 30/01/1968 đến ngày 05/2/1968, lần thứ hai diễn ra từ đêm ngày 03 rạng ngày 04/3/1968 đến ngày 06/3/1968.

anh tin bai

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Phú Yên, bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực cùng các lực lượng tại chỗ mở cuộc Tổng công kích vào cơ quan của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa với trọng điểm ở thị xã Tuy Hòa, ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, đồng thời làm rung chuyển hệ thống chính quyền của địch trên địa bàn Phú Yên. Trong đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lần thứ 1 (đêm 29 rạng ngày 30 tháng 01 đến ngày 5 tháng 2), các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 quân địch, phá hủy 47 máy bay các loại, 26 xe quân sự, 5 xe M113 và M118, 10 khẩu pháo từ 105 ly đến 155 ly, thu gần 50 máy thông tin các loại. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lần thứ hai (ngày 05 tháng 02 năm 1968) ở Phú Yên ta đã giải phóng 10 xã, 13 thôn, đưa 23.000 người trở về quê cũ.

Trong các trận chiến ác liệt ấy, nhiều đơn vị của ta đã chịu tổn thất lớn về lực lượng, nhiều cán bộ, chiến sỹ là những người con của Phú Yên cũng như trên nhiều vùng miền của cả nước đã hy sinh anh dũng. Trong số đó có 3 liệt sỹ đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: đó là Liệt sỹ Lê Trung Kiên quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (nay là thị xã Đông Hòa), tỉnh Phú Yên; Liệt sỹ Nguyễn Thế Bảo (Nguyễn Cật) quê ở xã Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa (nay là huyện Phú Hòa), tỉnh Phú Yên và Liệt sỹ Nguyễn Anh Hào (tức Năm An) quê ở xã Hòa Bình 1, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa), tỉnh Phú Yên; cả ba liệt sỹ đều anh dũng hy sinh trong trận đánh Sở chỉ huy Trung đoàn 47 ngụy lần thứ hai tại thị xã Tuy Hòa vào đêm ngày 3 rạng ngày 04 tháng 3 năm 1968.

anh tin bai

 

Mặc dù vậy, cuộc chiến đấu anh dũng và những hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Phú Yên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Phú Yên đã góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân miền Nam, trực tiếp giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở tỉnh Phú Yên là một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Phú Yên. Đồng thời là thắng lợi của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh địch vận; sự phối hợp của ba lực lượng (Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, của các cấp, các ngành, mặt trận đoàn thể quần chúng và các căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh trong suốt quá trình chiến đấu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 để lại những bài học lịch sử vô giá, những kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, những nơi an nghỉ của các liệt sĩ hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 được Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương quan tâm tôn tạo và thường xuyên thăm viếng. Công trình cụm Công viên – Đài tưởng niệm với diện tích hơn 7.100 m2, gồm Cụm phù điêu ở trung tâm, Đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (tọa lạc tại Phường 8 – Nơi diễn ra trận đánh ác liệt và có nhiều liệt sỹ ngã xuống) được hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dây xuân Mậu Thân.

Cụm công viên, Đài tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 không chỉ có ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, còn là nơi để các chiến sĩ năm xưa trở về, tưởng nhớ đồng đội, đồng chí và là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những trận đánh vào sào huyệt địch, những chiến công của các lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng tỉnh Phú Yên mùa Xuân năm 1968 vẫn luôn in đậm trong ký ức những cựu chiến binh và sẽ còn được lưu truyền mãi mãi, là niềm tự hào của mỗi người dân Phú Yên hôm nay và mai sau.

Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng “Địa điểm diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Phú Yên” là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tin mới
Tin nổi bật
QR