Đoàn ĐBQH Phú Yên tham gia thảo luận tổ về KT-XH, ngân sách nhà nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Đồng chí Phạm Đại Dương (bên trái) điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN
Đoàn ĐBQH Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bến Tre. Theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm Tổ trưởng Tổ đại biểu số 9 điều hành phiên thảo luận.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng KH-ĐT cùng các ĐBQH của Tổ đại biểu số 9 tham gia thảo luận.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo theo chương trình kỳ họp.
Tham gia phát biểu thảo luận, các ĐBQH bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong thời gian qua; thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời phân tích, làm rõ thêm một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 như: Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% là mức cao trên thế giới và khu vực; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thu NSNN đạt trên 1,75 triệu tỉ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỉ đồng so với dự toán; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỉ đồng…
Trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỉ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỉ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây; nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ĐBQH cũng nêu ra những hạn chế như: tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng các công trình quốc gia còn chậm; việc quản lý thị trường vàng bị động, chưa hiệu quả; số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn lớn; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động thấp; tăng trưởng tín dụng chưa đảm bảo so với yêu cầu phát triển, nợ xấu tăng cao; thị trường bất động sản chưa có khởi sắc; giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến phát triển du lịch... Qua thảo luận, các ĐBQH cũng đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong thời gian đến.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Phạm Đại Dương đồng tình với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Đồng chí Phạm Đại Dương cũng đồng tình với các ý kiến phát biểu, đánh giá, phân tích của các ĐBQH; các ý kiến đã phân tích, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề từ thực tiễn địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách để làm rõ hơn kết quả đạt được, những vấn đề còn bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi trong thời gian đến.
Đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh, thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH; quan tâm công tác giải phóng mặt bằng để góp phần đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia; chú trọng công tác chuyển đổi số, đấy mạnh phát triển kinh tế số để góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh, khai thác tốt nhất tiềm lực, lợi thế vốn có của địa phương….
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách và đầu tư nguồn lực cho các địa phương trong phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo điều kiện, đòn bẩy, sức bật mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước trong tình hình mới; xem xét, sớm triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 01/7/2024. Sớm quan tâm, xem xét ban hành cơ chế để hỗ trợ các tỉnh trong việc tháo gỡ một số dự án triển khai chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và trong quá trình thực tiễn triển khai một số dự án có phát sinh một số vấn đề nhưng chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm hiện nay, nhất là cơ chế để xử lý các vấn đề tồn tại vướng mắc của một số dự án như: Dự án BOT, BT, dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư…
Theo NGỌC HƠN/PYO