image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, có 463/464 ĐBQH biểu quyết tán thành với tỉ lệ 96,86%.

anh tin bai

Mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết, năm 2025 sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ảnh: Vietnam+

Xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh

 

Mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết nêu năm 2025 sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

 

Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu được điều chỉnh với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Nghị quyết đã nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể, cơ quan chức năng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

 

Trên cơ sở đó, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hành lang pháp lý sẽ được chủ động, khẩn trương xây dựng với cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ sớm ban hành. Ngoài ra, Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược cũng sớm được xây dựng.

 

Nghị định cũng chỉ ra việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Việc rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn, như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

 

Các luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan khẩn trương triển khai, nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn. Đồng thời, quy định về tổ chức bộ máy hoàn thiện, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

 

Đặc biệt, cơ chế, chính sách đủ mạnh quy định pháp luật cụ thể, minh bạch sẽ được ban hành ngay, để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

 

Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên

 

Nghị quyết đề ra yêu cầu tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, từ đó khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Cụ thể trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; Khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Theo đó, bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.

 

Nghị quyết quy định triệt để tiết kiệm chi, trong đó phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển.

 

Bên cạnh đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025.

 

Nghị quyết chỉ rõ việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch đồng thời bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

 

Khuyến khích đầu tư từ mọi thành phần kinh tế

 

Nhằm khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, Nghị quyết chỉ rõ sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

 

Cụ thể, nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Cùng với đó, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hơn nữa, để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH. Các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI sẽ được thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa, trong đó kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin-cho,” đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).

 

Nghị quyết cũng nêu ra các giải pháp tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

 

Về đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa sẽ được hoàn thiện. Mục tiêu, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; Đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

 

Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ. Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

 

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước. Mục tiêu tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

 

Theo Vietnam+

QR
image banner