image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ: Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (gọi tắt là Quy định 114) thay thế Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (gọi tắt là Quy định 205). Hiện nay, các địa phương đang tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục.

anh tin bai

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt kết luận, quy định Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Đảng cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Trong đó có nội dung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Ảnh: PV

Kiểm soát từ khâu then chốt

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng cả trước mắt và lâu dài. Vì thế, công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng. Do cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cho nên tổ chức, cá nhân được phân công phụ trách dễ bị chi phối bởi quyền lực đó.

 

Quyền lực trong công tác cán bộ luôn có nguy cơ bị tha hóa, vì thế, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để phát huy tác dụng, mang lại giá trị tốt đẹp, tích cực, hạnh phúc cho cá nhân, sự hưng thịnh cho tổ chức, quốc gia, dân tộc. Đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quyền lực được giao.

 

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ không phải là vấn đề mới. Ngay từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói, những chỉ dẫn quan trọng liên quan đến quyền lực và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Theo tinh thần đó, Đảng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế về công tác cán bộ như: Quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử; chính sách cán bộ; quy định về những điều đảng viên không được làm; lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo… Những quy định, quy chế của Đảng đã góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

 

anh tin bai

 

Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay nhiều khâu còn có hạn chế, khuyết điểm, đúng như Đảng ta đã chỉ rõ: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”. Do vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; bất kỳ lúc nào, nơi nào việc kiểm soát quyền lực bị buông lỏng đều có thể dẫn đến sự lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ. Quy định 205 ra đời năm 2019, tức là ở nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Đầu năm 2021, Đại hội XIII của Đảng đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 với nhiều điểm mới, bổ sung so với Quy định 205 để tạo nên sự thống nhất với các quy định về công tác cán bộ hiện nay.

 

Nhiều điểm mới trong Quy định 114

 

Quy định 114 đã mở rộng phạm vi hơn so với Quy định 205, đó là: “Quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm”. Trong Quy định 205, đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ” thì với Quy định 114, đối tượng áp dụng được bổ sung là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ”.

 

Quy định 114 dành hẳn Chương II với 3 điều (Điều 3, Điều 4, Điều 5) để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các hành vi cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền được quy định tại Điều 11, Quy định 205. Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới đó là: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định; khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che, không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

 

Kế thừa việc nhận diện các hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định trong Quy định 205, Quy định 114 bổ sung các hành vi: chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi. Ngoài ra, kế thừa nội dung tại Quy định 205, Quy định 114 bổ sung một số hành vi tiêu cực khác như: thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền xử lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ; báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực; trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ…

 

Quy định 114 đã bổ sung, sửa đổi về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị theo hướng tăng cường phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ... Đặc biệt, Quy định 114 nhấn mạnh không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: “Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương”.

 

Việc lượng hóa các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của Quy định 114 thực sự đã trở thành bộ nhận diện cụ thể, rõ ràng, giúp cấp ủy các cấp có đầy đủ cơ sở để thực hiện, đồng thời giúp cán bộ, đảng viên có cơ sở để giám sát công tác tổ chức, cán bộ nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

 

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114 thì cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau:

 

1. Bị khiển trách: Sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

 

2. Bị cảnh cáo: Xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

 

3. Bị cách chức: Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

 

4. Bị khai trừ ra khỏi Đảng: Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Theo HUYỀN TRÂN/PYO

QR
image banner