Ngày 19/11/1997, Việt Nam được hòa vào mạng internet toàn cầu. Các chuyên gia công nghệ cho rằng, đang có một cuộc dịch chuyển vĩ đại của đời sống con người từ không gian thực lên không gian mạng. Đây là vấn đề mới, hành lang pháp lý chưa theo kịp nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, mỗi công dân phải có trách nhiệm quản lý chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên không gian đó. Trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cùng những giá trị cốt lõi từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Kỳ 1: Không gian mới, cách làm mới
Từ khi được kết nối vào mạng internet toàn cầu, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các quốc gia có tỉ lệ người dân sử dụng internet và tham gia mạng xã hội cao nhất thế giới. Hiện nay, bình quân mỗi người Việt Nam dành 6 giờ mỗi ngày kết nối trên internet, trong đó có 3 giờ lướt mạng xã hội. Đặc biệt là giới trẻ, gần như mọi sinh hoạt từ học hành đến vui chơi, giải trí các em đều “gặp nhau” trên không gian mạng.
Poster khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tham gia mạng xã hội của Cục An toàn thông tin. Ảnh: TRẦN THANH HƯNG
Những vấn đề mới đặt ra
Một câu hỏi đặt ra, vậy ai quản lý những gì đang diễn ra trên không gian mạng (KGM)? Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng TT&TT khuyến nghị: “Ai quản lý cái gì trong đời thực thì lên KGM quản lý cái đó. Có như vậy, KGM Việt Nam mới có thể lành mạnh”.
Từ khi loài người xuất hiện thì xã hội loài người bắt đầu có nhu cầu trao đổi thông tin. Từ khi báo chí ra đời thì khái niệm tin tức xuất hiện. Giờ đây, trong kỷ nguyên số với sự xuất hiện của các mạng truyền thông mới, thông tin gần như ngập tràn, đến mức các chuyên ra đưa ra những khái niệm mới để chỉ hiện tượng này như: infobesity (béo phì thông tin), infodemic (“đại dịch” thông tin)...
Nhưng nguy hiểm hơn cả là fake news/false news (tin giả, tin sai sự thật) và disinformation (thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc). Chính điều này làm cho nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM, nhất là việc phân biệt đâu là sự thật, đâu là giả tạo từ lượng thông tin khổng lồ ấy trở nên phức tạp, khó khăn.
Từ thực tiễn đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận thức mới về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc giờ đây khó khăn nhất là trên KGM, chứ không phải trên không gian thật, trên báo chí truyền thống...; Không vượt qua được thách thức của mạng internet thì không thể vượt qua thách thức cầm quyền lâu dài; Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Internet là trận địa chính của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay; Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết những người dân trên internet, người khác sẽ lôi kéo.
Đây là vấn đề các quốc gia đều đối mặt chứ không riêng Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Internet giống như con dao hai lưỡi. Một bức ảnh hay, một đoạn video được cập nhật có thể tạo thành một vụ nổ lan truyền trên toàn bộ phương tiện truyền thông trong vài giờ, có tác động rất lớn đến lĩnh vực dư luận xã hội. Internet có thể được sử dụng cho những việc ích nước, lợi dân. Song, nếu không sử dụng đúng thì có thể gây ra những tác hại khó lường. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần có lập trường rõ ràng, kiên định đường lối chính trị, định hướng dư luận, định hướng giá trị đúng đắn trên không gian mạng”.
Từ thực tiễn trên, Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII xác định có 4 nội dung để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bao gồm: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; Bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Các nền tảng xuyên biên giới là nơi phát tán nhiều nhất tin giả, thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, muốn quản lý tốt KGM thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cách làm của Việt Nam
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM, Việt Nam đã có cách làm riêng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan trung ương, địa phương có sự phân công, phối hợp chặt chẽ dưới sự điều phối của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh bằng pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật, với nhiều cách làm mới. Kết quả quan trọng là Việt Nam đã chặn hạ hiệu quả nhiều nội dung xấu độc, hỗ trợ việc lan tỏa nội dung chính thống, tích cực trên KGM.
Cơ quan quản lý nhà nước đã xác định 7 nguồn cung cấp thông tin trên KGM, bao gồm: 259 báo điện tử, tạp chí điện tử; gần 2.000 trang thông tin điện tử tổng hợp; các trang thông tin điện tử nội bộ, cá nhân, trang cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành; 935 trang mạng xã hội trong nước và một số mạng xã hội ngoài nước phổ biến tại Việt Nam; các ứng dụng OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng trên KGM).
Chủ thể tham gia hệ sinh thái truyền thông mới cũng được cơ quan quản lý nhà nước xác định gồm: các nhà quảng cáo, đại lý quảng cáo, nhãn hàng; người đọc thông tin trên mạng; người sản xuất nội dung đưa lên mạng; các KOL (Key Opinion Leader - người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng); nhà mạng viễn thông, công ty hạ tầng số; các hệ thống quảng cáo sử dụng công nghệ và thuật toán; các công ty có nền tảng công nghệ và truyền thông.
Xác định được chủ thể, cơ quan quản lý nhà nước đã tác động đến tất cả các chủ thể này để bảo vệ KGM Việt Nam lành mạnh. Cụ thể là yêu cầu các nhà quảng cáo không đưa quảng cáo vào nội dung xấu độc; hướng dẫn người dùng mạng xã hội biết và phòng tránh tin giả; khuyến cáo, nhắc nhở, thậm chí xử lý nếu người sản xuất nội dung số vi phạm pháp luật; thiết lập mạng lưới liên lạc kết nối các KOL để kêu gọi họ góp phần bảo vệ KGM; yêu cầu nhà mạng viễn thông áp dụng kỹ thuật chặn hạ kênh vi phạm; yêu cầu các hệ thống quảng cáo dùng công nghệ chặn lọc nội dung quảng cáo và điều chỉnh thuật toán; yêu cầu các công ty có nền tảng công nghệ, truyền thông đưa nội dung lành mạnh, chính thống lên các nền tảng số...
Nhờ vậy, đối với các nền tảng xuyên biên giới, suốt thời gian qua, Việt Nam luôn duy trì ở mức cao tỉ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc. 5 tháng đầu năm 2024, facebook đã gỡ 3.382 bài viết, 248 tài khoản, 15 hội nhóm, 66 trang thông tin điện tử có nội dung xấu độc, chống phá (tỉ lệ 95%); YouTube đã gỡ 2.884 video, 9 kênh chứa 18.000 video (tỉ lệ 90%); TikTok gỡ bỏ 410 video, 180 tài khoản chứa gần 50.000 video (tỉ lệ 91%).
Đây là một kết quả rất quan trọng để góp phần bảo vệ KGM Việt Nam lành mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian này cũng như nhiều nhiệm vụ khác.
Kỳ cuối: “Cuộc chiến” với các nền tảng xuyên biên giới
TRẦN THANH HƯNG
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy