Giảm nghèo là mục tiêu kiên định của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển KT-XH và là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển đất nước.
Người dân xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) được vay vốn tín dụng ưu đãi để nuôi bò, phát triển sản xuất, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: VIỆT AN
Nỗ lực với mục tiêu giảm nghèo bền vững
Những năm qua, Phú Yên tập trung triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rất nhiều. Kết quả rà soát, tổng số hộ nghèo đầu năm 2023 là 10.781 hộ, chiếm tỉ lệ 4,1%. Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 8.480 hộ, chiếm 3,22% (giảm 2.301 hộ nghèo, trong đó có 1.731 hộ nghèo chuyển sang cận nghèo), giảm 0,88% so với đầu năm, giảm rất nhiều so với thời điểm tái lập tỉnh Phú Yên. Bởi theo Sở LĐTB&XH, từ sau tái lập tỉnh Phú Yên đến năm 1995, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm trên 25,33% (chuẩn cũ), trong đó hộ đói chiếm khoảng 70% và đói thường xuyên chiếm 63%; 10.116 hộ gia đình, chiếm tỉ lệ 38,35%, có nhà ở dột nát, không an toàn và gần 2.000 hộ chưa có nhà ở.
Đối với hộ cận nghèo, đầu năm 2023, toàn tỉnh có 21.101 hộ, chiếm tỉ lệ 8,02%. Đến cuối năm giảm còn 17.694, chiếm 6,72% (giảm 3.407 hộ, tương đương giảm 1,3%). Những kết quả giảm nghèo bền vững tại Phú Yên đã phản ánh sinh động sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tình hình chung của cả nước, vào năm 1993, hộ nghèo ở Việt Nam chiếm tới 58,1%, đến năm 2015 còn 9,88% và đến năm 2023, hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn 2,93%. Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các mục tiêu toàn cầu ở châu Á.
Hiện tại, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.
Để đạt được thành tựu đó, cả hệ thống chính trị đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong đó, trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các biện pháp giảm nghèo mới ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, thông tin, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường.
Sự thể hiện nhất quán thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước cùng những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nằm trong tốp 4 của ASEAN và trong tốp 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong tốp 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển con người, nổi bật là công cuộc giảm nghèo, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây là nét đẹp nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.
Những luận điệu sai trái, bôi đen hiện thực
Bất chấp những thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo của Việt Nam được cả thế giới công nhận, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí vẫn cố tình đưa ra những báo cáo, nhận xét không đúng sự thật về tình hình đất nước, con người Việt Nam. Qua cái nhìn phiến diện của họ, những chính sách nhân văn, nhân đạo đối với hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như hỗ trợ gạo, hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc rừng, huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường bị xuyên tạc thành Việt Nam rơi vào “tình trạng bất ổn về an ninh lương thực”, “trở thành quốc gia thiếu lương thực”…
Thời gian gần đây, lợi dụng việc ngày 2/8/2024, Bộ Thương mại Mỹ công bố về việc tiếp tục chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, họ đã đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất, phủ định thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trên các trang tin của những hội nhóm, tổ chức phản động còn tiến hành “tọa đàm, hội luận”, khoe thành quả về các hoạt động vận động, lên tiếng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tiếng nói gây sức ép lên chính quyền Mỹ từ chối công nhận quy chế nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Mục đích không gì khác của chiêu trò này là bôi đen, đả phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, cổ xúy việc Mỹ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Những luận điệu trên cố tình xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; cố tình thổi phồng sự việc, gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, ảnh hưởng đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội.
Nêu cao cảnh giác, kiên quyết bác bỏ luận điệu xuyên tạc
Những thành tựu về giảm nghèo bền vững đã phản ánh sinh động, tính khoa học, nét đẹp nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Đó cũng là câu trả lời xác đáng, là bằng chứng không thể chối cãi, thuyết phục nhất trước việc một số cá nhân, tổ chức thù địch, không thiện chí liên tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc, bôi đen thành tựu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam nhằm phục vụ mục đích đen tối của mình. Đồng thời cần nhận rõ những luận điệu xuyên tạc bản chất mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay của các thế lực thù địch đều nhằm mục đích duy nhất là làm chệch hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng CNXH ở nước ta, những âm mưu, thủ đoạn đen tối đó chắc chắn sẽ thất bại.
Trước tình hình nói trên, cần hết sức tỉnh táo nhận diện và nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng, tiếp tục giữ vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã chọn. Bên cạnh đó tiếp tục chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ khó khăn, xem đó là tình cảm, vinh dự và trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
NGUYỄN VĂN SỰ
Phó Trưởng ban trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy