Hơn 70 năm trôi qua, những người tham gia đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp năm nào, nhiều người đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến hoặc đã về với ông bà, tổ tiên; một vài người còn sống đều đã bước qua tuổi 90, như Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, đại tá Phan Đắc Tổng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh…
Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên trong giai đoạn đánh chặn cuộc hành quân Át-lăng của Pháp năm 1954. Người thứ hai từ phải sang là đồng chí Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội. Ảnh: XH (chụp lại ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, trong ký ức của họ vẫn còn vẹn nguyên những ngày tháng lịch sử trên chiến trường. Ngày ấy, quân và dân Phú Yên với vũ khí thô sơ, hầm chông, cạm bẫy và thế trận chiến tranh nhân dân đã chặn bước tiến của quân đội viễn chinh Pháp, chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Kế hoạch mang mật danh A4
Tháng 5/1954, sau khi có mặt tại Sài Gòn để thay cho tướng Raoul Salan làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, tướng Nava đưa ra kế hoạch quân sự bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng, được gọi là Kế hoạch Nava.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và đại tá Phan Đắc Tổng nhớ lại: Trong kế hoạch 18 tháng của mình, tướng Nava chủ trương đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 trong vòng 3-6 tháng bằng một chiến dịch mang mật danh 4A, tức cuộc hành quân mang tên Át-lăng. Đây là một trong nhiều cuộc hành quân sẽ thực hiện trong đông xuân 1953-1954 của quân viễn chinh Pháp, được chia làm 3 bước.
Bước 1 có tên là Arêtút, tiến hành vào cuối tháng 1/1954, sử dụng 22 tiểu đoàn bộ binh từ Đắk Lắk đánh xuống, từ Khánh Hòa đánh ra và từ biển đổ bộ vào đánh chiếm TX Tuy Hòa, rồi tràn ra chiếm toàn bộ tỉnh Phú Yên.
Bước 2 có tên Axen, tiến hành vào đầu tháng 3/1954, sẽ tăng thêm lực lượng để phát triển đánh chiếm TX Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định bằng 3 cánh quân: từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê (Gia Lai) đánh xuống và từ biển đánh vào.
Bước 3 có tên là Atila. Đây là bước quyết định, bắt đầu vào tháng 5/1954, sử dụng 45 tiểu đoàn bộ binh, 8 đơn vị pháo binh, bao vây từ 4 phía để đánh chiếm TX Quảng Ngãi và toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ vùng tự do Liên khu 5.
Thế trận chiến tranh nhân dân
Ngày 20/1/1954, 22 tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp (thuộc 4 binh đoàn cơ động: 10, 100, 41, 42) cùng 2 tiểu đoàn quân quốc gia Việt Nam tay sai có sự yểm trợ của không quân và hải quân mở cuộc hành quân vào Phú Yên, chính thức bắt đầu bước 1 của chiến dịch Át-lăng. Chỉ huy quân Pháp là De Beaufort tin chắc cuộc hành quân sẽ thắng lợi chóng vánh. Chúng chuẩn bị sẵn bộ máy chính quyền tay sai để lắp vào những vùng vừa đánh chiếm được.
Những ngày đầu đánh chặn cuộc hành quân Át-lăng của địch, chưa có bộ đội chủ lực Liên khu 5 trên địa bàn tỉnh, quân dân Phú Yên phải chiến đấu với lực lượng quân địch lớn mạnh. Đó thật sự là thử thách, khó khăn rất lớn. Song tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ huy sáng suốt của Liên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, của Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh, quân và dân Phú Yên tin vào sức mình, quyết biến mỗi thôn, xã thành trận địa tiêu diệt địch.
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh
|
Quân địch tiến công vào Phú Yên theo các hướng: Từ biển, theo cửa Đà Diễn một cánh quân đổ bộ vào Phú Câu (phường 6 ngày nay) đánh chiếm TX Tuy Hòa. Trong khi đó, một cánh quân khác từ Khánh Hòa tiến ra đèo Cả, đánh chiếm Hòa Xuân và hành quân theo quốc lộ 1 để gặp cánh quân TX Tuy Hòa. Ở phía Tây, một cánh quân từ Cheo Reo theo Đường 7 phát triển xuống Tây Phú Yên gặp cánh quân ở M’Đrắk phát triển sang gặp nhau tại Củng Sơn.
Trong 10 ngày đầu của chiến dịch Át-lăng, địch thực hiện kế hoạch đánh nhanh, chiếm nhanh nhưng đã bị thất bại ngay từ đầu. Với thế trận chiến tranh nhân dân đã được bày sẵn, quân và dân Phú Yên đã chủ động tổ chức đánh địch khi chúng vừa đặt chân đến.
Đại đội 377 và du kích các xã, phường ở TX Tuy Hòa, kết hợp với thế trận phòng thủ, vũ khí thô sơ, hầm chông, cạm bẫy, đã phục kích, bao vây, bắn tỉa và chặn đánh quyết liệt không cho chúng lấn ra phía Bắc, kìm chân địch tại chỗ. Quân địch từ Khánh Hòa ra bị Đại đội 392 và du kích các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp… chặn đánh quyết liệt, tạo vành đai thép dưới chân đèo Cả.
Ông Lê Ngọc Cường ở Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa, năm nay đã 97 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ lại: “Khi quân Pháp từ Khánh Hòa vượt đèo Cả tràn ra, người dân địa phương từ già đến trẻ đều chung tay, góp sức, bố trí sẵn chông mìn, kết hợp với phá dỡ cầu cống và đường giao thông, kìm hãm bước tiến của bộ binh và cơ giới địch. Phải mất 10 ngày sau chúng mới ra đến TX Tuy Hòa”.
Ở mặt trận phía Tây, với lối đánh táo bạo, linh hoạt, mưu trí và sáng tạo, các đại đội 389 và 378 của ta cùng với du kích các xã chặn đánh tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải dè dặt, dò dẫm nên tiến quân rất chậm chạp. Mạng lưới bố phòng rộng khắp của thế trận chiến tranh nhân dân cũng đã hạn chế được quân địch lùng sục, đánh phá vào các thôn xóm.
“Những ngày đầu đánh chặn cuộc hành quân Át-lăng của địch, chưa có bộ đội chủ lực Liên khu 5 trên địa bàn tỉnh, quân dân Phú Yên phải chiến đấu với lực lượng quân địch lớn mạnh. Đó thật sự là thử thách, khó khăn rất lớn. Song tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ huy sáng suốt của Liên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, của Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh, quân và dân Phú Yên tin vào sức mình, quyết biến mỗi thôn, xã thành trận địa tiêu diệt địch”, anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhìn nhận.
Trong 10 ngày chặn đánh địch, quân và dân Phú Yên đã diệt và làm bị thương 765 tên (trong đó có 1 quan ba, 2 quan hai), thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng.
Lúc này, bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã đập tan cụm phòng thủ Đông Bắc Kon Tum của địch, quân ta thừa thắng đẩy mạnh tiến công. Bị ta đánh mạnh ở Kon Tum, thế trận bị phá vỡ, cuộc hành quân Át-lăng của quân viễn chinh Pháp phải tạm dừng. Binh đoàn cơ động số 100 rút về phòng ngự giữ Pleiku. Các binh đoàn cơ sộng số 41 và 42 phải về giữ Nam Tây Nguyên, đồng thời làm dự bị cho các hướng.
Lực lượng địch ở Phú Yên từ 24 tiểu đoàn, phần bị quân dân địa phương tiêu diệt, phần bị kéo căng trên toàn chiến trường Liên khu 5, chỉ còn lại 10 tiểu đoàn (thuộc Binh đoàn cơ động số 10 và lực lượng quân lính tay sai).
Kết thúc bước 1 chiến dịch Át-lăng, ngày 2/2/1954, quân và dân Phú Yên - Liên khu 5 vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khen ngợi.
Sau khi Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tăng cường Tiểu đoàn 375 và 365 cho Phú Yên, bộ đội chủ lực và quân dân địa phương đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch. Đầu tiên là Tiểu đoàn 375 tiêu diệt 26 xe và 1 đại đội lính Âu - Phi tại khu vực Bầu Vườn (Xuân Sơn, Đồng Xuân), ngày 7/3/1954. Tiếp đó, ngày 21/3/1954, tại Suối Cối, Tiểu đoàn 365 xóa sổ Tiểu đoàn Ngự lâm quân số 2 của địch.
Địch bắt đầu co cụm, tổ chức phòng thủ. Hai tiểu đoàn 365 và 375 của ta cùng các đại đội bộ đội địa phương và du kích phối hợp tổ chức tập kích, tiến công dồn dập làm cho hệ thống phòng thủ của chúng trong các vùng chiếm đóng lần lượt bị sụp đổ. Đến đầu tháng 5/1954, quân Pháp chỉ còn tập trung vào 4 cụm lớn: La Hai, Sông Cầu, Chí Thạnh và TX Tuy Hòa. Thế trận chủ động trên chiến trường thuộc về ta (*).
-------------------
(*) Theo Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Phú Yên (1945-2020)
Theo LẠC HỒNG/PYO