image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trung Đinh - đau đáu nỗi niềm lụa Việt

Cuối tháng 4/2022, qua Chương trình nghệ thuật Áo dài qua miền di sản, nhiều người dân Phú Yên mới được biết về Đinh Quang Trung (Trung Đinh), chàng trai quê TX Sông Cầu, nhà thiết kế - nghệ nhân nổi tiếng mà tên tuổi anh gắn liền với sự hồi sinh của lụa Việt Nam.

anh tin bai

Nhà thiết kế - nghệ nhân Đinh Quang Trung hướng dẫn học trò. Ảnh: KHÁNH UYÊN

Học đại học ra làm “thợ may” cho hãng Ý

 

“Mảnh đất nơi Trung sinh ra và lớn lên ngày xưa bao khốn khó. Những ký ức về thuở ba má, chú bác họ hàng…, cả xóm nghèo vẫn còn in đậm”. Giọng của nhà thiết kế - nghệ nhân trở nên miên man khi nhắc về quê hương.

 

Nhà 7 anh em, sống nhờ vào tay nghề mộc của ba và gánh hàng của má. Trung nói mình thừa hưởng sự khéo tay từ ba, thích vẽ, và có lẽ hình ảnh má trong chiếc áo bà ba ngày ngày gánh hàng đi khắp xã đã sớm hình thành trong Trung cảm tình với văn hóa truyền thống. Tuy vậy, khi biết Trung chọn thi vào Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, ngành Thiết kế thời trang, thì bà con chòm xóm cười, có người dè bĩu: “Thợ may chứ làm gì mà phải học 4 năm đại học. Tới ông Bảy thợ may xóm trên học cho lẹ”.

 

Nhiệm vụ của Trung là đào tạo và tạo cảm hứng cho nhiều người làm nghề, để lan tỏa áo dài và lụa thủ công Việt Nam.

 

Vậy là Trung đậu vào Trường đại học Kiến trúc, nhưng không đủ điểm vào ngành Thiết kế thời trang, đành theo học Mỹ thuật công nghiệp. Học một thời gian ngắn, anh nhận thấy không thích lắm nên năm sau quyết định thi vào ngành Thiết kế thời trang của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, học cùng lúc. Như tìm đúng niềm đam mê, Trung tập trung tất cả thời gian và năng lượng vô chuyên môn. Điều gì thầy cô không dạy thì anh tự tìm tòi, nghiên cứu.

 

Ra trường, Trung học thêm nhiều nội dung nữa, đến năm 2010 đầu quân cho một tập đoàn thời trang của Ý tại Việt Nam. Sau 5 năm, anh trở thành giám đốc sáng tạo, dưới anh có 8 nhà thiết kế và không ai là người Việt. Anh cho biết, thời điểm đó mặc dù được trả lương 3.500 euro nhưng Trung vẫn ấp ủ ý tưởng phải làm điều gì đó cho mình và mọi người, chứ công việc này chỉ phục vụ cuộc sống gia đình tốt mà thôi.

 

anh tin bai

Đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên, các người mẫu và Ban tổ chức Chương trình nghệ thuật Áo dài qua miền di sản, tổ chức cuối tháng 4/2022 tại TP Tuy Hòa. Ảnh: RJN studio

Từ khôi phục nghề vẽ áo dài

 

Từ nhỏ đã mê hội họa nên Trung nghĩ tại sao không kết hợp hội họa với thời trang? Năm 2012, khi đang làm cho hãng Ý, Trung thành lập nhóm nghiên cứu vẽ áo dài, nhóm này chính là tiền thân của trung tâm ngày nay. Anh rong ruổi các chợ chuyên bán áo dài ở TP Hồ Chí Minh và nhận thấy đa số là mặt hàng bình dân, họa sĩ vẽ áo khá sơ sài và giá rất rẻ, chỉ là việc làm thêm. Anh nghĩ đến việc tạo ra sự khác biệt. Anh ấp ủ ước mơ muốn nghề vẽ áo dài được nâng tầm hơn, xã hội công nhận đó là nghề có sự đầu tư nghiêm túc và người vẽ là họa sĩ chứ không phải thợ vẽ... Anh cho biết: “Trung muốn thay đổi cách nghĩ ấy nhưng một mình không thể làm được mà cần phải tạo ra một cộng đồng, một hệ sinh thái cho riêng mình và từ từ thay đổi”.

 

Thấm đẫm nếp văn hóa truyền thống nên Trung quyết định chọn áo dài và nghề thủ công là hướng đi cho mình. Nếu những nhà thiết kế khác xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm, thì Trung chọn lan tỏa bằng cách giáo dục và anh mở trung tâm dạy vẽ với tư duy: “Một mình Trung lan tỏa không bằng 100 người lan tỏa”. Khi anh rời bỏ công việc tại tập đoàn thời trang của Ý, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp nói Trung bị thần kinh. Ngày nay học trò Trung Đinh ở khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Một số tạo thương hiệu riêng cho mình như chị Phan Thị Lệ, Công ty TNHH Sen. LT. Cũng có bạn gia công nhưng tham gia cải thiện chất lượng sản phẩm, về cách nhìn nhận nghề. Nhờ những nỗ lực ấy mà thời gian gần đây, nghề vẽ áo dài đã được công nhận. Và anh không chỉ dạy học trò vẽ áo dài mà dạy cấu trúc, bố cục của chiếc áo dài, cách trang trí, tính toán phân tầng trong chiếc áo dài để các bạn có thể làm nghề.

 

Từng làm việc cho tập đoàn thời trang nước ngoài nên Trung hiểu rõ sự hạn chế của nhà thiết kế trong nước, là sự phụ thuộc vào chất liệu của thị trường. Trung tìm đến với lụa thủ công của Việt Nam. Anh chia sẻ chân thành: “Mặc dù lụa Việt Nam không thể cạnh tranh với lụa nhập từ Trung Quốc về mẫu mã, màu sắc nhưng bản chất lụa Việt Nam đẹp. Nếu nhà thiết kế bản lĩnh thì có cách xử lý lại để chất liệu lụa Việt Nam sẽ hiệu quả khi lên trang phục”.

 

Và anh tìm đến với lụa Bảo Lộc. Chính tấm lụa thủ công trong vắt, mềm mại ấy đã phát huy tối đa hiệu quả kỹ thuật vẽ không chất chặn viền mà Trung Đinh mất 8 năm miệt mài theo đuổi mới tìm ra. Những chiếc khăn vẽ 2 mặt, những bức tranh lụa Oganza trong suốt thương hiệu Trung Đinh chỉ sản xuất rất giới hạn đã chinh phục được những vị khách khó tính.

 

Ông Lê Nhật Linh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt, cho biết: Công ty tôi thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, nhất là Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu. Chúng tôi luôn muốn tặng đối tác những món quà thật sự ý nghĩa, mang nét đặc trưng Việt Nam và từ khi biết sản phẩm tranh lụa của Trung Đinh thì đây là lựa chọn duy nhất của công ty. Chúng tôi đã sưu tầm khá nhiều tranh lụa của tác giả Trung Đinh với dự định sẽ thiết kế một khuôn viên chỉ trưng bày để giới thiệu cho bàn bè, du khách, đối tác quốc tế.

 

anh tin bai

2 tác phẩm trong bộ sưu tập Quê hương tôi - Một thoáng Phú Yên, ra mắt tại Chương trình nghệ thuật Áo dài qua miền di sản. Ảnh: NGÔ VIẾT ĐẠI DƯƠNG

Đến hồi sinh lụa thủ công

 

Suốt 3 năm qua, nhà thiết kế - nghệ nhân trẻ ấp ủ dự án về lụa thủ công của Việt Nam. Anh luôn đau đáu lụa Việt Nam đã có từ lâu nhưng không có sức cạnh tranh ngay trên đất Việt Nam và người làm lụa không sống được với nghề. Anh mong muốn các nhà thiết kế đang làm áo dài ưu tiên chọn lụa Việt Nam.

 

Một điểm mấu chốt mà lụa Việt Nam không cạnh tranh được với lụa Trung Quốc là màu sắc. Trung lại có thể tự nhuộm được. Nếu các nhà thiết kế cũng có kỹ năng đó thì giảm hẳn sự phụ thuộc vô hàng nhập. Đó là lý do vì sao Trung đã sáng tạo ra kỹ thuật nhuộm ombré thủ công, để tự chủ động tạo ra chất liệu. Trung cũng truyền lại kỹ thuật này cho học trò, khi trung tâm mở lớp thì những nhà thiết kế trẻ đi học rất nhiều. Kể cả khoa Thời trang - Du lịch của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng gửi sinh viên theo học. TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa, nhận xét: “Các tác phẩm vẽ trên tranh lụa, áo dài của Trung Đinh vừa có giá trị nghệ thuật truyền thống vừa có chất sáng tạo rất lớn đối với ngành thời trang, hội họa. Lâu nay, áo dài, tranh lụa là những sản phẩm được nhiều nhà thiết kế sáng tạo trên đó. Tuy nhiên, cái riêng của Trung là có sự nghiên cứu về cách tạo màu, biết cách để lưu giữ màu trên các chất liệu bền, đẹp”.

 

Nhà thiết kế - nghệ nhân Trung Đinh cho biết, anh là người tiên phong ở Việt Nam về cách nhuộm thủ công ombré. Đây là hiệu ứng mới nhất anh thực hiện từ năm 2021, nhưng lúc đó anh chưa đẩy mạnh thông điệp “Mình cần xử lý chất liệu. Mình cần ưu tiên lụa Việt Nam”. Đưa chúng tôi mảnh lụa nhuộm loang từ trắng ẩn hồng và chuyển hồng nhạt, Trung khẳng định không thể tìm bên ngoài chất liệu màu sắc như thế, nên khi đưa ra sản phẩm cực kỳ thuyết phục.

 

anh tin bai

Những người đẹp trong tà áo dài lụa nhuộm ombré thủ công. Ảnh: NGÔ VIẾT ĐẠI DƯƠNG

Và đại sứ BCNV

 

Ít ai biết nhà thiết kế - nghệ nhân Đinh Quang Trung có tấm lòng nhân ái rộng mở. Từ rất lâu, hàng năm anh cùng học trò tổ chức 2 đợt thiện nguyện. Một chuyến đi các tỉnh vùng cao Tây Bắc tặng quà cho trẻ em nghèo, và một đợt tổ chức tặng quà cho người già vô gia cư tại TP Hồ Chí Minh.

 

Tháng 10/2018, anh tham gia và trở thành Đại sứ Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam - BCNV). Mỗi năm, anh cùng học trò tổ chức bán túi vải vẽ thủ công, toàn bộ số tiền thu được dùng để gây quỹ từ thiện toàn phần cho bệnh nhân ung thư vú.

 

Tháng 5/2020, học trò giới thiệu Trung tham gia tổ chức Light Charity - Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần hỗ trợ các bé mắc bệnh hiểm nghèo về máu, anh đã nhận hỗ trợ toàn phần để chữa trị và lọc máu cho 9 bé.

 

“Với công tác xã hội, Trung cũng đặc biệt quan tâm. Trung thường xuyên hỗ trợ chi phí học tập cho các sinh viên khó khăn của trường; hỗ trợ các show diễn nghệ thuật, văn nghệ… của trường”. TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Thời trang- Du lịch Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhận xét về người sinh viên cũ.

 

Và người con Phú Yên xa quê ấy, khi được hỏi về quê hương, anh tâm sự: “Trung luôn mong muốn Phú Yên phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng, du lịch, văn hóa... Để làm được điều đó rất cần những người con Phú Yên thành công trở về góp sức. Trung không biết bản thân làm được gì không nhưng xin có lời gửi gắm là bất kỳ khi nào quê nhà cần và Trung có thể góp sức được thì Trung sẵn sàng hết mình”. 

 

Năm 2020, nhà thiết kế Đinh Quang Trung được tặng danh hiệu nghệ nhân vẽ lụa, để ghi nhận sự cống hiến và sức ảnh hưởng của anh đến cộng đồng trong mảng nghề này.

 

Theo KHÁNH UYÊN – KHANG ANH/PYO

Tin mới
Tin nổi bật
QR