image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hòa giải ở cơ sở giữ gìn sự đoàn kết trong Nhân dân

Nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở (HGCS). Những nỗ lực này đã góp phần giữ gìn đoàn kết, giải quyết tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân; củng cố, phát huy những tình cảm tốt đẹp trong gia đình, cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Phú Yên là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng, nghiệp vụ đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Ảnh: NGỌC DUNG

Nối nhịp bình yên

 

HGCS được đánh giá là biện pháp góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân. Làm tốt công tác HGCS sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, góp phần củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư...

 

Nhận thức tầm quan trọng của công tác này, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt Luật HGCS, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hòa giải viên và người dân về công tác HGCS. Sở Tư pháp cho biết, trong 10 năm thi hành Luật HGCS, Phú Yên đã tổ chức gần 700 hội nghị quán triệt, triển khai Luật HGCS và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 38.000 lượt người tham dự, nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác HGCS, số vụ việc hòa giải thành tăng qua từng năm. Các tổhòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 13.502 vụ việc, trong đó hòa giải thành 10.461 vụ việc, đạt 77,5%.

 

Nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải, chị Mạnh Thị Xuân Sang, cán bộ Hội Phụ nữ thôn Triêm Đức (xãXuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đã cùng các hòa giải viên ở địa phương tích cực giải quyết các tranh chấp trên địa bàn dân cư. Trước những vụ việc mâu thuẫn phức tạp, chị Sang và các thành viên trong tổ hòa giải luôn trao đổi bàn bạc tìm ra phương án phù hợp để tháo gỡ vấn đề một cách thấu tình đạt lý, phù hợp với quy định của Luật HGCS. Nhờ vậy, hầu hết vụ việc mâu thuẫn đều hòa giải thành công, giúp gắn kết tình cảm gia đình, làng xóm, giữ gìn sự đoàn kết trong Nhân dân, hạn chế tối đa khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

 

Những năm trước, vợ chồng chị N.T.M thường xuyên rơi vào cảnh cơm không lành, canh không ngọt chỉvì những bất hòa nhỏ trong đời sống hàng ngày, khiến cuộc hôn nhân của họ đứng bên bờ vực của sự tan vỡ. Chị M thổ lộ: “Ngày ấy, nhờ chị Sang và các anh chị trong tổ hòa giải phân tích đúng sai, thiệt hơn mà vợ chồng tôi nhận ra ưu khuyết để chung sống hòa hợp, giữ gìn hạnh phúc”. Hay như chuyện gia đình bà V.T.K.O lấn đất soi gia đình bà M.T.S, nhờ sự vào cuộc kịp thời của Tổ hòa giải thôn Triêm Đức mà bà O đãnhận thức việc làm không đúng của bản thân. Nhờ vậy, mâu thuẫn giữa họ đã được giải quyết êm đẹp.

 

Nâng cao chất lượng hòa giải

 

Thực tế xã hội cho thấy, rất nhiều mâu thuẫn nhỏ trong đời sống xã hội nếu không được kịp thời hóa giải thì chuyện bé xé ra to, thậm chí từ tranh chấp dân sự có thể chuyển thành vụ án hình sự. Những mâu thuẫn mang tính tức thời, bộc phát nếu không kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 645 tổ hòa giải ở 605 thôn, buôn, khu phố với 4.345 hòa giải viên. Tổ trưởng tổ hòa giải là trưởng thôn, buôn, khu phố hoặc bí thư chi bộ và các thành viên trong tổ bao gồm đại diện hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, công an… Để làm tốt công tác hòa giải, việc nâng chất đội ngũ hòa giải viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đội ngũ hòa giải viên không chỉ là những người nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc của thôn, buôn, khu phố, mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực, nghiệp vụ hòa giải. Hầu hết các vụ tranh chấp ở cơ sở chủ yếu về lĩnh vực đất đai, môi trường, những xung đột trong cuộc sống hôn nhân gia đình. Vì vậy, để hòa giải thành công, các thành viên trong tổ hòa giải phải gương mẫu, uy tín với người dân địa phương, nắm bắt quy định Luật HGCS và các kiến thức pháp luật liên quan.

 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đào Thị Mỹ Dung cho biết: Ngành Tư pháp Phú Yên đã và đang củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Sở Tư pháp cũng tích cực bồi dưỡng, cung cấp tài liệu, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội để chuyển tải kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật mới đến các hòa giải viên, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Phú Yên cũng chú trọng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương... Mới đây, tại hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV-2023, khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa tổ chức ở Khánh Hòa, đội thi Phú Yên đã đạt giải Đội thi hòa giải khéo, qua đó tạo điều kiện để các hòa giải viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác HGCS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Theo Sở Tư pháp Phú Yên, qua 10 năm thi hành Luật HGCS, Phú Yên đã tổ chức gần 700 hội nghị quán triệt, triển khai Luật HGCS và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 38.000 lượt người tham dự. Các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 13.502 vụ việc, trong đó hòa giải thành 10.461 vụ việc, đạt 77,5%.

 

Theo NGỌC DUNG/PYO

QR
image banner