Thực hiện mục tiêu kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT), Công an tỉnh quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong những tháng cuối năm. Báo Phú Yên phỏng vấn đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh về các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua huyện Tuy An. Ảnh: NGÔ XUÂN
* Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ TNGT, trong đó có những vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?
- Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức 2 đợt cao điểm, 2 kế hoạch chuyên đề, 1 đợt tổng kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Kết quả số trường hợp bị xử lý vi phạm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, giúp kiềm chế TNGT, kéo giảm 2 tiêu chí về số vụ (giảm 6,1%) và số người bị thương (giảm 2,6%), nhưng số người chết tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng phương tiện tham gia giao thông cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng tăng cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập. Mặt khác, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh có nhiều đèo dốc, vòng cua nguy hiểm; nhiều tuyến đường còn nhỏ hẹp, lại thường xuyên hư hỏng, xuống cấp, xuất hiện nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Một nguyên nhân khác là do tập quán, thói quen, nhất là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn chưa cao. Qua phân tích các vụ TNGT trong năm, có đến 75% số vụ TNGT xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông.
Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế như công tác đào tạo, sát hạch, quản lý người lái xe, kiểm định phương tiện; lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, không đủ để bố trí khép kín tuyến, địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Đại tá Nguyễn Thái Hoàng
* Hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn (NĐC) của ngành đang được người dân đánh giá cao. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động này?
- Trong thời gian qua, chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm NĐC. Kết quả, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý gần 4.600 trường hợp vi phạm NĐC, tăng gần 150% so với cùng kỳ 2022. Qua đó, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm NĐC đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn cố tình không chấp hành, lén lút điều khiển phương tiện đi trong các tuyến đường hẻm, đường phụ, nơi lực lượng cảnh sát giao thông ít tuần tra, kiểm soát.
Hiện Công an tỉnh đang bố trí 10 tổ xử lý chuyên đề vi phạm NĐC; tổ chức kiểm tra trên tất cả các tuyến đường giao thông nội bộ trong tất cả các ngày trong tuần. Mỗi tổ chuyên trách bao gồm lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, hình sự, ma túy, trật tự, công an xã, phường, thị trấn… Lực lượng này được trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm NĐC, ma túy. Các tổ tuần tra cũng bố trí mô tô tuần tra lưu động vào các tuyến đường phụ, đường nhánh để xử lý các trường hợp trốn trạm kiểm soát NĐC. Chỉ trong tuần đầu tiên ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 125 trường hợp vi phạm.
Chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn giao thông được rất nhiều người dân ủng hộ. Ảnh: NGÔ XUÂN
* Tinh thần “Thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” khi xử lý vi phạm đã tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Tinh thần này sẽ được phát huy như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
- Lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã rất quyết liệt trong xử lý vi phạm NĐC. Rất nhiều trường hợp là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm NĐC đã bị yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Chúng tôi chỉ đạo phải tổ chức xác minh tại chính quyền địa phương đối với tất cả các trường hợp vi phạm NĐC, ma túy và gửi thông báo vi phạm về địa phương, đơn vị. Đến nay đã có kết quả xác minh đối với 5 trường hợp thuộc lực lượng vũ trang, 9 cán bộ đảng viên vi phạm. Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng sẽ ghi lại kết quả kiểm tra bằng camera với tất cả trường hợp dừng kiểm tra để không có trường hợp bỏ qua vi phạm. Điều này cũng đã được quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Mới đây, Công an tỉnh đã tham mưu ban hành kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT”. Rất mong người dân, tổ chức, cá nhân phối hợp phản ánh kịp thời các thông tin về hành vi vi phạm về TTATGT để chúng tôi kịp thời xác minh, xử lý nhằm phòng ngừa TNGT. Với quyết tâm xử lý theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tôi tin từ nay đến cuối năm 2023, tình hình người điều khiển phương tiện vi phạm NĐC sẽ giảm rõ rệt, góp phần làm giảm TNGT trên toàn tỉnh.
* Đối với các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, theo ông cần có những giải pháp gì để xử lý?
- Theo khảo sát, hiện toàn tỉnh có 3 điểm đen, 11 điểm tiềm ẩn và 42 điểm bất hợp lý về TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Sau khi khảo sát, chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng quản lý tuyến để kịp thời có biện pháp khắc phục. Công an tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm tại các khu vực này nhằm nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, phòng ngừa TNGT xảy ra.
Công tác bảo đảm TTATGT liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, của toàn xã hội và từng người dân. Vậy nên, nếu chỉ có sự nỗ lực của lực lượng công an là chưa đủ, mà rất cần sự chung tay để thực hiện đồng bộ các giải pháp: đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cơ chế quản lý, nhất là kỹ năng, trình độ và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Sắp tới, khi Luật TTATGT đường bộ được thông qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện một bước thể chế, cơ chế chính sách, phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp thì vấn đề TTATGT nói chung và TNGT sẽ được kiềm chế tốt hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Theo NGÔ XUÂN/PYO