Trường học là môi trường giáo dục nhân cách và giá trị sống. Để làm được điều này thì môi trường trường học phải an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, không thể an toàn và lành mạnh khi mà học sinh bị bắt nạt.
Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, các sở, ngành chia sẻ kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. Ảnh NGỌC DUNG
Khi mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời
Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gây bức xúc trong dư luận. Mới đây nhất, một nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và nhà trường về sự nguy hiểm của bạo lực học đường, khi mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời.
Trên địa bàn Phú Yên thời gian gần đây xảy ra một số vụ học sinh xô xát, đánh nhau và quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội. Mới đây nhất, ngày 18/3, tại một trường THCS ở huyện Phú Hòa, một nữ sinh lớp 7 đã bị 2 bạn nữ cùng khối đánh dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh trong trường. Vài ngày sau đó, một học sinh lớp 8 trên địa bàn TP Tuy Hòa bị bạn cùng trường đánh thô bạo… Những thông tin về các vụ đánh nhau của học sinh ở trong lớp học hoặc bên ngoài nhà trường đã và đang khiến dư luận giật mình lo ngại cũng như không khỏi phẫn nộ về tính chất côn đồ, hung hãn của các đối tượng tham gia.
Thực tế, câu chuyện bạo lực học đường không mới, nhưng những năm gần đây có xu hướng gia tăng mức độ và tính chất nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2022, cả nước xảy ra 1.600 vụ bạo lực học đường. Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, do nhiều vụ không bị tố giác.
Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như tâm sinh lý lứa tuổi của các em học sinh, nguyên nhân đến từ gia đình, nhà trường và xã hội. Theo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các em tham gia đánh nhau phần lớn ở lứa tuổi từ 12-17, là những học sinh cuối cấp THCS và THPT. Ở lứa tuổi này, các em còn suy nghĩ bồng bột, thích thểhiện, không kiểm soát được hành vi bản thân, thiếu kỹ năng sống, ứng xử còn non nớt, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Bởi vậy, các tác động, kích thích xấu từ bên ngoài khiến các em bắt chước theo, dẫn đến nhận thức, hành động sai trái.
Những hành động bạo lực học đường thường là tẩy chay, nói xấu, đe dọa, bắt nạt, làm nhục, đánh hội đồng, trấn lột… dẫn đến các em - nạn nhân của bạo lực học đường bị stress, trầm cảm, sang chấn tâm lý… Khi bế tắc trong việc tìm giải pháp giải quyết xung đột, có những em tự làm hại bản thân hoặc hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Đừng xem là chuyện xích mích trẻ con
Tại diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” do Tỉnh đoàn Phú Yên phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh và Sở GD&ĐT tổ chức mới đây, em Võ Lê Nhi Quỳnh, học sinh lớp 9A Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Những mâu thuẫn ban đầu như tẩy chay, nói xấu bạn, có thểtrong mắt người lớn đây chỉ là chuyện nhất thời của con trẻ, rồi không đểý quan tâm, vô tình quên đi. Nhưng với chúng em, những điều nhỏ nhặt ấy tích tụ lại sẽ trở nên thật tệ hại khi chúng em không được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ đúng lúc, kịp thời”.
Cũng tại diễn đàn này, nhiều học sinh đến từ các địa phương đặt ra câu hỏi phải làm thế nào để giải quyết bạo lực học đường cũng như cần làm gì để bảo vệ bản thân, bạn bè trước vấn nạn bạo lực học đường hiện nay… Những câu hỏi này đã được đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL và Tỉnh đoàn giải đáp, tư vấn cách thức phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu vấn nạn này.
Tại diễn đàn này, bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, đại diện Sở GD&ĐT cho hay: Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh trường học, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, công văn gửi đến các đơn vị trường học cũng như các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, THCS thực hiện tốt việc phòng, chống bạo lực học đường, tăng cường công tác an ninh trường học. Cụ thể là chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, kịp thời giải quyết xung đột giữa các nhóm học sinh; phối hợp với công an, chính quyền địa phương trong phòng ngừa đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền những nội dung, hình ảnh đẹp về việc xây dựng trường học tốt, thân thiện, lành mạnh, học sinh tích cực, giáo dục cho học sinh về tinh thần yêu trường mến lớp, yêu thầy mến bạn. Lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên tăng cường giám sát, theo dõi tâm tư, tình cảm học sinh, phối hợp cùng gia đình rèn luyện uốn nắn, xử lý hành vi vi phạm của các em. Bên cạnh truyền tải kiến thức, các trường cũng cần đẩy mạnh các hoạt động đoàn, đội giáo dục kỹ năng, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, thầy cô, bạn bè cho các em học sinh.
Theo ông Võ Duy Kha, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, diễn đàn là cơ hội cho học sinh giao lưu, bày tỏ ý kiến, quan điểm về những câu chuyện bạo lực học đường, các hành vi chưa tốt trong đạo đức, văn hóa ứng xử trong trường học; những chuẩn mực về ý thức, hành vi trong xây dựng tình bạn đẹp, góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong đội viên, học sinh, tăng cường kỹ năng, giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường…
Nâng cao nhận thức pháp luật
“Giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực học đường là vấn đề quan tâm, trăn trở của rất nhiều phụ huynh, thầy cô, nhà trường và xã hội. Điều cốt lõi ở đây là phải nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và học sinh về vấn nạn bạo lực học đường”, bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh và chia sẻ: Phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường mà Sở Tư pháp đã, đang tích cực phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TX Sông Cầu) và sắp tới tổ chức ở các trường THPT ở các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, TX Đông Hòa cũng không ngoài mục đích này.
Thông qua nội dung phiên tòa giả định xét xử vụ án về bạo lực học đường, cố ý gây thương tích trong lứa tuổi học sinh dựa trên một vụ án thật dưới hình thức sân khấu hóa, học sinh sẽ có điều kiện tiếp cận thực tiễn, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, tuân thủ các quy định pháp luật; góp phần giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho các em; nâng cao vai trò trách nhiệm của nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực học đường. Việc này giúp các em tự bảo vệ bản thân cũng như ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực học đường góp phần mang lại an toàn trật tự trong nhà trường, thực hiện nếp sống văn hóa. “Chúng tôi sẽ phát huy vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh niên đang công tác ở các chi đoàn Sở Tư pháp, Tòa án, Viện KSND, Công an tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền truyền thông pháp luật. Qua đó cũng giúp nhà trường nâng cao trách nhiệm, tăng cường trách nhiệm giữa nhà trường với gia đình và xã hội đểcùng chung giảm thiểu vấn nạn này”, bà Phan Thị Hoa cho biết thêm.
Theo khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Trong đó, đối với tội danh tội phạm rất nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh này là từ trên 7-15 năm tù. Còn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là từ trên 15-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với hành vi bạo lực học đường có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự) hoặc tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự).
|
Theo NGỌC DUNG/PYO