Thời gian qua, một bộ phận người dân có thói quen chiếm dụng lòng, lề đường phơi rơm lúa, đặt để vật cản trên đường đi, gây cản trở và nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đến khi vụ việc xảy ra, bị pháp luật xử lý về hành vi này, người vi phạm có hối hận thì cũng đã muộn.
Chỉ vì sơ suất, chủ quan đặt vật cản dưới lòng đường, 3 bị cáo Tịnh, Phiếm, Thuận đã phải vướng lao lý. Ảnh: NGUYÊN KHANG
Vật cản chết người
Ngày 19/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Hòa đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND đề nghị truy tố đối với bị can Trần Hoàng (SN 1955, trú thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) và đưa ra xét xử với tội danh cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, sau khi thu hoạch lúa tại khu vực đồng Cây Trâm - thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, chiều 20/4/2024, bị can Hoàng thuê người vác các bao tải lúa chất thành đống, đặt trên đường ĐH22, tràn lấn ra lòng đường. Do vừa lấn chiếm lòng đường, vừa không thực hiện các biện pháp cảnh báo đối với người tham gia giao thông nên tối cùng ngày, khi anh Trịnh Hoàng Sơn (SN 1989, trú thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) điều khiển mô tô tham gia lưu thông đã tông vào các bao lúa, tử vong tại chỗ.
Kết quả khám nghiệm hiện trường và các tài liệu chứng cứ khác cho thấy, việc đặt, để lúa tràn lấn ra lòng đường của bị can Hoàng đã thành vật cản trở và là nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến anh Trịnh Hoàng Sơn tử vong.
Dù bị can Hoàng mới phạm tội lần đầu, hậu quả xảy ra là ngoài mong muốn của bị can và sau khi xảy ra vụ việc, bị can đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân 24 triệu đồng nhưng hành vi này đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự ATGT đường bộ, gây nguy hiểm cho xã hội.
Vì vậy, ngoài đề nghị truy tố bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Hòa còn kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến quần chúng nhân dân, yêu cầu người dân nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự ATGT. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nhằm phòng ngừa tội phạm, bảo đảm trật tự ATGT.
Vướng vòng lao lý
Ngày 21/8/2024, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh cũng đã tuyên bác kháng cáo đối với 3 bị cáo có hành vi dựng rạp đám cưới, chiếm chắn đường, gây hậu quả chết người trong vụ án cản trở giao thông đường bộ xảy ra tại TX Đông Hòa. Ngoài tuyên y án phần trách nhiệm hình sự, tòa còn tuyên buộc tăng mức bồi thường dân sự đối với 3 bị cáo trong vụ án.
Đặt vật cản dưới lòng lề đường, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại TX Đông Hòa. Ảnh: NGUYÊN KHANG
Theo cáo trạng, do nhận thuê từ trước nên sáng 21/12/2020, Nguyễn Thanh Tịnh (SN 1971, trú phường Hòa Hiệp Nam) và Đỗ Trọng Phiếm (SN 1961, trú phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) đến nhà Lê Kim Thuận ở khu phố Thọ Lâm, phường Hòa Hiệp Nam dựng rạp đám cưới.
Đến trưa cùng ngày, thấy gió lớn, sợ rạp ngã, Thuận bàn với Tịnh, Phiếm lấy đá xếp thành nhiều trụ đặt trên mặt đường quốc lộ 29 rồi dùng dây thừng buộc vào khung rạp để cố định. Đến tối cùng ngày, do không phát hiện các trụ đá đặt cản trên đường đi, anh Ngô Thanh Liêm đã điều khiển mô tô va vào và sau đó tử vong tại bệnh viện.
Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, việc Thuận, Phiếm, Tịnh dựng rạp đám cưới, tự ý đặt đá thành cụm trên đường gây vật cản là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội cản trở giao thông đường bộ, do đó tòa tuyên phạt Lê Kim Thuận 1 năm tù, Nguyễn Thanh Tịnh 9 tháng tù cho hưởng án treo, Đỗ Trọng Phiếm 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Khi nhận mức án trên, cả ba bị cáo đều ăn năn, hối hận về hành vi của mình. Đây cũng là bài học đắt giá dành cho những ai chỉ biết nghĩ đến lợi ích của mình mà lấn chiếm, đặt để vật cản trái phép trên đường đi, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cho những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Hiện nay, trên một số tuyến đường ở khu vực nông thôn, miền núi và đô thị vẫn còn tình trạng các hộ dân tự ý phơi lúa, rơm rạ, dựng rạp cưới chằng chéo dây nhợ trên đường, gây cản trở, nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra vẫn còn tình trạng một số hộ dân dùng gạch, đá và các loại vật dụng khác ngăn chiếm lòng, lề đường.
Điều này không chỉ gây mất mỹ quan, trật tự mà còn trực tiếp làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Đến khi xảy ra hậu quả, bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, nhiều người có hối hận cũng đã muộn. Những vụ án trên là bài học đắt giá cho những ai xem thường tính mạng, tài sản của người khác vì hành vi cản trở giao thông.
Theo NGUYÊN KHANG/PYO