UBND tỉnh vừa sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06). Qua đó cho thấy, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Công chức Bộ phận một cửa huyện Tây Hòa giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ảnh: PHẠM THÙY
Nhanh chóng, thuận tiện
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình đề ra. Việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ công (DVC) được đẩy mạnh, giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp.
Công an tỉnh đã làm tốt vai trò cơ quan thường trực, khi 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an đã thu nhận hơn 22.120 hồ sơ đề nghị cấp căn cước công dân; thu nhận 27.938 hồ sơ định danh điện tử mức 2. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là 80%; tỉ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử là 100%...
Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh cho biết: Thực hiện Đề án 06, đến nay, sở đã phối hợp hoàn thành đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên môi trường mạng và có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cử bộ phận kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện đánh giá an ninh, an toàn thông tin để thực hiện kết nối chính thức.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (Cổng DVC trực tuyến) của tỉnh đã triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng của Viettel, VNPT, Misa để phục vụ người dân và doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong nộp hồ sơ giải quyết TTHC đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện; đã kết nối và sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử trên Cổng DVC quốc gia, đáp ứng việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Hệ thống đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng DVC quốc gia, triển khai thanh toán trực tuyến đối với các DVC trực tuyến mức toàn trình của tỉnh có phí, lệ phí.
Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy chia sẻ: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của chủ tịch UBND, tổ trưởng Đề án 06 các cấp, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; sự đồng tình hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân nên TX Sông Cầu đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, 100% phòng, ban và UBND các phường, xã của TX Sông Cầu đều có mạng nội bộ và kết nối internet; triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II cho các phòng ban và UBND các phường, xã để triển khai các dịch vụ, các nền tảng số phục vụ việc quản lý, điều hành chung của thị xã đảm bảo an toàn thông tin. 100% phường, xã đều có đường truyền cáp quang, internet đến tận thôn, khu phố. 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ
Theo lộ trình của Đề án 06, đến nay, tỉnh còn một nhiệm vụ chưa hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là chưa kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ kích hoạt định danh điện tử mức 2 còn thấp so với số lượng đã thu nhận.
Bên cạnh đó, việc đồng bộ trạng thái xử lý hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cổng DVC quốc gia chưa đảm bảo. Hệ thống đường truyền trên Cổng DVC quốc gia thường xuyên bị lỗi, gây mất thời gian cho việc nộp hồ sơ, tâm lý e ngại về tính bảo mật, an toàn thông tin khi thực hiện trên môi trường mạng. Hạ tầng công nghệ của các đơn vị, địa phương nhìn chung còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ của đề án, nhất là trang thiết bị phục vụ công tác số hóa hồ sơ.
Đối với lực lượng công an cấp xã, cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi Đề án 06 với khối lượng công việc lớn, thời gian hoàn thành gấp, do đó ảnh hưởng tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Tỷ Khánh, để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian đến, sở sẽ thuê dịch vụ CNTT đường truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh; thuê hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, hệ thống cổng dữ liệu mở. Đồng thời xây dựng kho dữ liệu tập trung toàn tỉnh; xây dựng kho dữ liệu chuyên ngành TT&TT…
Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tầm quan trọng trong việc ứng dụng CNTT trong công tác an toàn, an ninh mạng và chuyển đổi số; thực hiện tốt Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính; phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT.
Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về an toàn, an ninh mạng chuyển đổi số khi trung ương ban hành chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác an toàn, an ninh mạng, chuyển đổi số…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết: Thời gian đến, các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06. Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Căn cước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, kết nối các DVC trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cổng DVC quốc gia và các hệ thống thông tin chuyên ngành. Đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh theo đề nghị của Bộ TT&TT.
“Việc triển khai thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát các nhiệm vụ đã đạt được, các nhiệm vụ chưa hoàn thành của Đề án 06 và chuyển đổi số để có phương án, kế hoạch triển khai trong thời gian đến.
Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện DVC trực tuyến, tiếp tục rà soát, cập nhật dữ liệu chuyên ngành đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Quá trình triển khai phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống, dữ liệu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là phát triển kinh tế số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu; khẩn trương ban hành, cập nhật danh mục dữ liệu chia sẻ theo nhiệm vụ Chính phủ giao; trực tiếp chỉ đạo tập trung số hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương mình. Các địa phương cũng phải sớm hoàn thành triển khai 30 DVC trực tuyến thiết yếu; khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm các nhiệm vụ chậm, quá hạn, tồn đọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
|
Theo PHẠM THÙY/PYO