Hỗ trợ, tạo việc làm là một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài giúp người lao động thay đổi tư duy, nâng cao năng lực phát triển kinh tế, tự tạo lập cuộc sống ổn định. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh đã có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Người lao động tìm hiểu thị trường lao động trong và ngoài nước tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: KIM CHI
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) hiện được tỉnh lồng ghép với các chương trình phát triển KT-XH như: Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Thúc đẩy đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 16.493 lao động, đạt 66,71% so với kế hoạch năm. Trong đó, có việc làm mới tăng thêm 4.179 lao động, đạt 83,58% so với kế hoạch năm, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, Sở LĐTB&XH đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động làm việc thời vụ tại Hàn Quốc với quận Goryoeng, tỉnh Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc); đồng thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức chương trình làm việc tại Nhật Bản nhằm thúc đẩy công tác đưa người lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Công tác đưa NLĐ của Phú Yên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian gần đây chuyển biến rõ rệt. Các hoạt động tư vấn, truyền thông chính sách được đẩy mạnh đến cơ sở và từng gia đình, người dân. Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2025 là mỗi năm đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chị Ngô Thị Ngân ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) vừa trở về nước sau 3 năm đi lao động tại Nhật Bản, cho biết với thời gian làm việc ấy, chị đã tích lũy được một khoản tiền kha khá. Ngôi nhà mới 2 tầng vừa hoàn thành có sự đóng góp từ số tiền đi lao động nước ngoài của chị. “Sau thời gian đi lao động ở Nhật, không chỉ cuộc sống gia đình được cải thiện mà tôi còn có vốn ngoại ngữ tiếng Nhật. Bây giờ tôi cũng có thể tự mở cửa hàng kinh doanh”.
Vợ chồng anh Phạm Thành Nghĩa ở thôn 4, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), sau 4 năm đi lao động ở Nhật Bản, với mức thu nhập từ 20-25 triệu đồng/người/tháng cũng đã tích góp được một số vốn tương đối khá. Hiện nay vợ chồng anh đã về nước và dự định sẽ triển khai mốt số công việc sản xuất kinh doanh từ số vốn này.
Lựa chọn thị trường lao động phù hợp
Cũng theo ông Phan Đại Thắng, phát huy vai trò cầu nối giữa NLĐ với doanh nghiệp, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho NLĐ; tiếp tục duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng. Qua đó, NLĐ được tư vấn trực tiếp, được tìm hiểu, lựa chọn thị trường lao động và các doanh nghiệp có điều kiện tuyển các vị trí việc làm phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Lam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, cho biết trung tâm đã triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đến NLĐ; thông tin các thị trường lao động ngoài nước phù hợp với lao động địa phương. Trung tâm cũng đã tổ chức mạng lưới cộng tác viên với các tổ chức hội, đoàn thể mà đoàn thanh niên là lực lượng chủ lực trong việc huy động thanh niên, NLĐ tham gia vào thị trường lao động ngoài nước.
Cụ thể, đối với thị trường Nhật Bản, ngành nghề tuyển dụng gồm: Cơ khí, may mặc, in ấn, xây dựng, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất, công nghệ ô tô… Hợp đồng làm việc 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm. NLĐ được đào tạo tiếng Nhật từ 4-6 tháng; chi phí đi từ 60-139 triệu đồng; thu nhập bình quân từ 25-35 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc tuyển chọn người đi làm việc theo chương trình EPS. Các thị trường Hungary, New Zealand, điều kiện tuyển lao động khá dễ dàng, trình độ chỉ từ tốt nghiệp THCS trở lên với các ngành nghề đóng gói, lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên giao hàng, thức ăn nhanh; hàn CO2, hàn khung, kết cấu thép và các ngành liên quan đến hàn. Thu nhập bình quân từ 28-35 triệu đồng/tháng.
Thị trường Cộng hòa liên bang Đức, thu nhập cao hơn, khoảng 65 triệu đồng/tháng, nhưng yêu cầu phải tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học với ngành nghề tuyển dụng là đầu bếp, chế biến món ăn và điều dưỡng.
Những kết quả trong công tác giải quyết việc làm những tháng đầu năm có thể thấy NLĐ ngày càng chủ động, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác, không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Công tác giải quyết việc làm đã góp phần phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, AN-QP, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH
|
Theo HOÀNG LÊ/PYO