Rác thải nhựa đang là vấn nạn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Lực lượng thu gom rác phi chính thức là nhân tố rất quan trọng để góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Báo Phú Yên phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (Enda Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh
* Rác thải nhựa ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và đời sống con người, thưa bà?
- Theo Bộ TN&MT, mỗi phút trên thế giới, khoảng 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được xử lý và tái chế. Ở Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa không được tái sử dụng thì lượng chất thải nhựa thải bỏ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Hậu quả là rác thải nhựa phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là ô nhiễm trắng.
Rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các khu vực đầm, vịnh, ven biển tại một số địa phương, trong đó có Phú Yên. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.
* Thời gian qua, Enda Việt Nam đã triển khai rất nhiều dự án về môi trường. Những chương trình đồng hành, hỗ trợ của Enda Việt Nam đối với lực lượng thu gom rác phi chính thức như thế nào, thưa bà?
- Việc thu gom, xử lý rác thải nhựa đạt hiệu quả, ngoài lực lượng thu gom rác chính thức còn có một lực lượng không nhỏ là những người thu gom rác phi chính thức. Ở Phú Yên, lực lượng thu gom rác phi chính thức (hay còn gọi là người mua ve chai, đồng nát, nhôm nhựa…) hiện có khoảng 1.300 người. Đây là một trong những lực lượng quan trọng phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là chống ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, phần lớn người thu gom rác phi chính thức là người nghèo, hộ cận nghèo. Thấu hiểu khó khăn của họ, các dự án của Enda Việt Nam triển khai theo hướng tiếp cận, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua vận động chính sách. Enda Việt Nam đã giúp người thu gom rác phi chính thức tham gia các mạng lưới, HTX để liên kết với nhau nhằm nâng cao hiệu quả thu gom rác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Với sự tài trợ của các tổ chức, cơ quan quốc tế, Enda Việt Nam đã triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa. Các dự án này tập trung hỗ trợ an sinh xã hội cho người thu gom rác phi chính thức như tặng quần áo bảo hộ lao động, ủng, khẩu trang, hỗ trợ bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn. Enda Việt Nam tập huấn nâng cao nhận thức, vận động thành lập các HTX và xây dựng năng lực cho người thu gom rác phi chính thức. Ngoài ra, Enda Việt Nam còn truyền thông cho cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, chống ô nhiễm rác thải nhựa, vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, kết nối thị trường tiềm năng để tăng cơ hội tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa nhằm góp phần tăng thu nhập của người thu gom rác phi chính thức, với phương châm biến rác thải thành tài nguyên.
Thông qua các hoạt động truyền thông, lực lượng thu gom rác phi chính thức được đối thoại trực tiếp với chính quyền địa phương về những quy định, chính sách liên quan đến công việc của họ. Chính quyền địa phương cũng có nhìn nhận chính xác hơn về vai trò và giá trị của lực lượng thu gom rác thải phi chính thức, xem họ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tái chế rác thải nhựa. Mặt khác, người dân trên địa bàn dự án triển khai cũng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, tác hại của ô nhiễm rác thải nhựa và hình thành thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định.
Lực lượng thu gom rác phi chính thức phân loại rác tái chế tại bãi rác Thọ Vức (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC
* Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, theo bà, Phú Yên nên triển khai những giải pháp nào?
- Phú Yên cần đưa lực lượng thu gom rác phi chính thức vào hoạt động một cách có tổ chức như mô hình HTX, nhóm tương hỗ hay tham gia vào các đoàn thể, nghiệp đoàn…, giúp họ hoạt động hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Việc thay đổi thói quen, hành vi của người dân, thậm chí là toàn xã hội về bảo vệ môi trường không phải một sớm một chiều, mà cần thời gian, sự kiên trì và phối hợp nhất quán từ dưới lên trên (truyền thông, vận động), từ trên xuống dưới (các chính sách).
Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần. Mỗi hành động nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa hay nước uống chai nhựa dùng một lần đều có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỉ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Để đạt hiệu quả những quy định liên quan đến quản lý rác thải trong luật, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc ban hành chủ trương, chính sách, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ trong công tác thu gom rác giữa lực lượng chính thức và phi chính thức.
* Xin cảm ơn bà!
Ở Phú Yên, lực lượng thu gom rác phi chính thức hiện có khoảng 1.300 người. Đây là một trong những lực lượng quan trọng phân loại rác thải tại nguồn, đặc biệt là chống ô nhiễm rác thải nhựa. |
Theo ANH NGỌC/PYO